Hiểm họa khi cơ thể nóng trong

Da khô, mẩn ngứa, nổi mề đay, mụn nhọt; môi đỏ, căng, cảm giác háo khát, tình trạng táo bón, chảy máu chân răng, nhanh mệt, ăn nhiều mà vẫn gầy... thực ra không hề xuất hiện theo mùa và cũng không đơn thuần chỉ là dấu hiệu của nóng trong, háo nhiệt.

Hiểm họa khi cơ thể nóng trong - 1

Nóng trong cũng là một chứng bệnh

Quan niệm xưa ghi lại trong Điều Kinh luận - Tố Vấn (Trung Quốc) dưới lời đáp của Kỳ Bá về thế nào là âm hư sinh nội nhiệt (nóng trong) nêu rõ: “Cơ thể có phần nhọc mệt, hình khí giảm xút, không ăn thượng tiêu không lưu thông, vùng hạ quản cũng không thông, vị khí nóng, nhiệt khí hun đốt trong ngực cho nên nội nhiệt”.

Ngày nay, triệu chứng của nóng trong, háo nhiệt phong phú hơn rất nhiều. Theo lương y Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình, nóng trong trước hết là cảm giác đầu tiên của cơ thể về sức khỏe.

Biểu hiện của nóng trong rất đa dạng, từ da dẻ khô sần, sờ vào thấy nóng, mụn nhọt, rôm sẩy; môi đỏ và căng mọng, môi khô, hơi thở nóng hoặc hôi, chảy máu chân răng, nhiệt miệng, viêm lưỡi, đổ máu cam đến táo bón, ăn không tiêu, ăn nhiều mà vẫn gầy…

Thực tế, tình trạng “nóng trong người” kéo dài là do các độc tố và nhiệt độc không được đào thải ra ngoài, tích tụ lâu ngày trong cơ thể sinh ra nhiều bệnh tật.

Hiểm họa khi cơ thể nóng trong - 2

Nóng trong người - hiểm họa khó lường

Theo chia sẻ của Chị Quỳnh Liên, sống ở Quận Tây Hồ - Hà Nội, vài tháng trở lại đây, chị bị nổi mẩn ở vùng sau lưng và bắp đùi, uống nước nhiều nhưng đi tiểu ít. Đi khám Đông y chị mới biết thì bác sĩ cho biết vấn đề nằm ở gan.

Rõ ràng, cùng có cách gọi là nóng trong, háo nhiệt nhưng thực tế, mỗi biểu hiện của nóng trong lại có liên quan chặt chẽ với lục phủ ngũ tạng.

Lương y Bùi Hồng Minh giải thích, nhiệt, viêm lưỡi, môi, lợi có thể là dấu hiệu của dạ dày có vấn đề. Bởi vùng xung quanh miệng và chân răng là đường kinh của dạ dày. Hay da sần sùi, mẩn ngứa, nóng phừng phừng có thể là do khí của gan nóng.

Còn ngược lại, khi huyết nhiệt (máu nóng) lại gây ra lở ngứa, đổ máu cam; gan nóng gây ăn không tiêu, táo bón, bốc hỏa, hoa mắt chóng mặt…

Do đó, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này không phải bắt nguồn từ thời tiết như nhiều người vẫn nghĩ. Thực chất, nóng trong, háo nhiệt khởi nguồn từ cuộc sống quá nhiều căng thẳng, lười vận động, ăn quá nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh…

Lương y Bùi Hồng Minh phân tích, tất cả lục phủ ngũ tạng đều do thần kinh chỉ đạo, thế nên buồn quá thì hại tâm, hại gan; lo sợ quá sẽ hại gan, phổi; uất quá (căng thẳng thần kinh quá mức) hóa hỏa, gây rối loạn chức năng điều tiết huyết, gan bị uất. Vậy nên khi nóng giận sẽ thấy người như bốc hỏa.

Đáng nói, nếu không điều trị tận gốc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nội tạng, sinh ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như đột quỵ, tai biến mạch máu não…

Cần chú ý khi dùng thảo dược làm mát

Vì nghĩ mình bị nóng trong nên nhiều người hay mua các loại lá, cây dân gian vẫn dùng như mướp đắng, nhân trần, rau má, sắn dây về để uống.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp khi uống thấy khỏi nhưng cũng có không ít trường hợp uống chỉ thấy đỡ hay không ăn thua.

Hiểm họa khi cơ thể nóng trong - 3

Theo lương y Bùi Hồng Minh (ảnh trên), đó là bởi rau má, nhân trần sẽ hiệu quả với trường hợp nóng trong, háo nhiệt do gan; bột sắn, mướp đắng hiệu quả với người bị huyết nhiệt….

Chưa kể, liều lượng sử dụng không đúng, uống quá đặc hay quá loãng, uống quá dài ngày lại sẽ gây ảnh hưởng ngược lại.

Tốt nhất, chỉ nên uống 5-7 ngày với liều lượng được khuyến cáo. Nếu sau thời gian đó, triệu chứng không giảm cần đi khám để được chẩn đoán chính xác bệnh cũng như kê thuốc phù hợp.

Ngoài ra, lương y Bùi Hồng Minh cũng cho biết, có thể uống dự phòng các loại cây, lá… nhưng chỉ với liều lượng rất thấp (ví dụ chỉ khoảng 5-10% so với liều lượng điều trị).

Tuy nhiên, cần lưu ý lựa chọn dược liệu sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trước khi sao tẩm, sắc uống, tránh mua thảo dược trôi nổi không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên người tiêu dùng nên sử dụng những loại sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, sản phẩm giúp làm mát gan, giải nhiệt đã được cơ quan chức năng công nhận và cấp giấy phép.

Và đặc biệt cần duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục, có các liệu pháp giảm stress. Ví dụ với dân văn phòng, chỉ nên ngồi 40 phút, sau đó đứng lên, đi lại, vươn vai, vui đùa để giải tỏa căng căng rồi mới tiếp tục làm việc.

N.H