Hiếm gặp ca hen nặng kịch phát ở trẻ 1 tuổi

(Dân trí) - Vừa được xuất viện 5 ngày sau đợt điều trị hen phế quản nặng, bé N.H.A (9,5 tháng tuổi) lại nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó thở. Các bác sĩ phải tiến hành cấp cứu liên tục trong 8 giờ đồng hồ bé mới vượt qua cơn hen nặng kịch phát.

Bệnh nhi đã thoát khỏi nguy kịch sau 6 ngày điều trị. Ảnh: Tú Anh
Bệnh nhi đã thoát khỏi nguy kịch sau 6 ngày điều trị. Ảnh: Tú Anh 
Bé Nguyễn H. A (9,5 tháng tuổi, Hoàng Mai, Hà nội) vào khoa Nhi (BV Bạch Mai) lúc 13h30’ngày 06/03/2013 trong tình trạng khó thở, sốt cao, khó thở, tím quanh môi... sau 5 ngày vừa được ra viện (cũng điều trị hen phế quản nặng).
BS Nguyễn Thành Nam, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, ở thời điểm nhập viện, bệnh nhi khó thở, vật vã, kích thích, chỉ số Sp02 chỉ đạt 70% (bình thường là 100%). Nhịp tim bé có lúc đến 234 lần/phút, chân tay lạnh.
Đến 20h30 ngày 6/3/2013 bệnh nhân chuyển dần từ trạng thái kích thích, vật vã sang li bì, thở gắng sức nhiều. Ngay lập tức, bé được cấp cứu bằng khí dung, tiêm tĩnh mạch và thở oxy. Lúc này, nhịp thở của trẻ đã giảm 62 lần/phút, Sp02 đã đạt 100% nhưng nhịp tim vẫn 210 lần/phút.
Sau 18 tiếng nhập viện, các bác sĩ đã quyết định tiêm truyền tĩnh mạch thuốc giãn phế quản cho bệnh nhi.
Các bác sĩ xác định bé bị cơn hen phế quản cấp, rất nặng ở trẻ dưới 1 tuổi và tiếp tục được xử trí cấp cứu.
BS đang kiểm tra sức khoẻ cho cháu Hải Anh (Ảnh: H.Hồng)

BS đang kiểm tra sức khoẻ cho cháu Hải Anh (Ảnh: H.Hồng)

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết: “Bệnh nhi được cấp cứu, sử dụng rất nhiều thuốc vẫn không giải quyết được, thâm chí phải thở máy 6 ngày (thông thường chỉ 1 - 3 ngày là rút), chứng tỏ một điều hen ở trẻ nhỏ nặng lên rất nhanh, khó tiên lượng, kể cả khi chữa thời gian cũng dài hơn, các biện pháp liều lượng thuốc cũng phải hết sức cẩn thận”, TS Dũng nói.

Cũng theo TS Dũng, đây là lần đầu tiên tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) gặp bệnh nhi nhỏ tuổi bị cơn hen phế quản cấp nặng như vậy. Thường cơn hen gặp phổ biến ở trẻ lớn và người lớn hơn là ở những trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
BS đang kiểm tra sức khoẻ cho cháu Hải Anh (Ảnh: H.Hồng)

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng khoa nhi- Bệnh viện Bạch Mai) công bố đã cứu sống ca bệnh hen cấp nhỏ tuổi nhất và nguy hiểm nhất từ trước đến nay (Ảnh: H.Hồng)
Có một yếu tố mà các bác sĩ rất lưu tâm, đó là gia đình bệnh nhi này làm nghề may. “Rất có thể đây là yếu tố kích phát khiến bệnh nhi lên cơn hen cấp nặng nề như vậy. Bởi bé vừa trở về nhà 5 ngày sau khi điều trị ổn định cơn hen cấp”, TS Dũng nhận định.

“Đây là ca bệnh hen cấp nguy hiểm nhất và nhỏ tuổi nhất được cứu sống tại khoa nhi của bệnh viện. Nó có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm… cho quá trình điều trị sau này đặc biệt là khi mà bệnh hen không còn dừng lại ở người lớn mà đã xuất hiện nhiều ở trẻ em kể cả trẻ em dưới 1 tuổi”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.

Hiện bệnh nhi đã được cai máy thở, dừng tiêm thuốc giãn phế quản và được dùng thuốc khí dung, xịt thuốc dự phòng, tình trạng đã ổn định.

Tú Anh - Hải Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm