Hiếm gặp: Bệnh nhân bị bướu ăn hết vùng xương thiêng, mất dần khả năng đi lại

(Dân trí) - Xương thiêng vị trí nền móng nâng đỡ cột sống của bệnh nhân Đinh Công Thành (40 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) đã bị ăn hết do mắc loại bướu ít gặp. Bác sĩ chia sẻ, “cột sống của bệnh nhân tựa như tòa nhà cao tầng bị mất móng, toàn bộ hệ xương từ thắt lưng trở lên không còn điểm tựa”.

Nói về căn bệnh mình đang phải đối mặt, anh Công Thành cho hay: “Khoảng 5 năm trước, tôi bắt đầu có cảm giác tê, mỏi chân phải, đến bệnh viện thăm khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị thần kinh tọa. Tuy nhiên, sau thời gian dài điều trị bệnh chẳng những không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, TPHCM bác sĩ xác định tôi bị bướu phá hủy xương”.

Vùng xương thiêng (nằm giữa) của bệnh nhân đã bị khối u ăn gần hết
Vùng xương thiêng (nằm giữa) của bệnh nhân đã bị khối u ăn gần hết

Tình trạng bệnh khiến anh Thành mất dần khả năng lao động, việc đi lại trở nên khó khăn, tiểu tiện mất kiểm soát, bí đại tiện. Bệnh nhân đã phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật nhưng chỉ được thời gian ngắn, tình bệnh lại tái phát và ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống. “Tôi mong muốn được giải thoát khỏi khối bướu càng sớm càng tốt” – anh Thành cho hay.

Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, TPHCM sau khi thăm khám TS.BS Trần Quang Hiển, Phó khoa Cột sống A cho biết: “Bệnh nhân bị bướu nguyên sống vùng xương thiêng. Đây là dạng bướu xuất phát từ những tế bào hình thành nên cột sống trong giai đoạn bào thai khoảng 8 tuần tuổi. Tuy nhiên, bướu thường khởi phát ở giai đoạn bệnh nhân từ 40 tuổi đến 60 tuổi. Bướu nguyên sống chiếm khoảng 5 - 6% trong các loại bướu xương, hay gặp ở nền sọ và vùng xương cùng, xương cụt. Tuy nhiên, đây là bướu ác tính chiếm tới 20% bướu cột sống.

Cũng theo TS Quang Hiển, đây là trường hợp đặc biệt bởi vùng xương cùng, xương cụt (3 đốt xương cùng và 5 đốt xương cụt) hay còn gọi là xương thiêng đã bị bướu ăn hết, bướu còn ăn lan lên đốt cột sống S1, khớp cùng chậu của bệnh nhân bị mất hoàn toàn. Để tránh nguy cơ tái phát, bác sĩ buộc phải cắt bỏ toàn bộ vùng xương thiêng.

Việc cắt bỏ xương chậu khiến bệnh nhân đối mặt với nhiều nguy cơ như thủng bàng quang, thủng ruột, tổn thương mạch máu, tổn thương thần kinh, rối loạn tiêu tiểu, liệt chi… Dù bác sĩ khuyên không nên phẫu thuật, nhưng bệnh nhân vẫn quyết tâm thực hiện cuộc mổ để thoát khỏi nỗi đau thường ngày.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân bình phục tốt, tiêu tiểu dễ dàng hơn, chức năng vận động cải thiện
Sau phẫu thuật, bệnh nhân bình phục tốt, tiêu tiểu dễ dàng hơn, chức năng vận động cải thiện

Sau 7 giờ khẩn trương trên bàn mổ, TS Quang Hiển cùng ê kíp đã cắt toàn bộ vùng xương thiêng, dùng dụng cụ nẹp vít xương cột sống vào khung xương chậu, tạo trụ đỡ cột sống cho người bệnh.

Ngày 3/12, sau mổ 3 tuần, tình trạng sức khỏe cải thiện tích cực, anh Thành đã có thể chống nạng tự di chuyển, tiêu tiểu dễ dàng hơn. Dự kiến, người bệnh sẽ được hội chẩn cùng chuyên khoa ung bướu đề bàn phương án điều trị ngăn chặn sự tái phát của khối bướu trong trường hợp cần thiết.

Từ ca bệnh trên bác sĩ chỉ ra, bướu xương thiêng và nhiều loại bướu khác thường diễn tiến âm thầm, bệnh nhân khó cảm nhận được. Ngay cả bác sĩ khi thăm khám nếu không có kinh nghiệm cũng dễ nhầm lẫn với đau thần kinh tọa hoặc các bệnh khác. Khi khối bướu lớn, xâm lấn thần kinh, tình trạng đau mới xuất hiện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Bác sĩ khuyến cáo, khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường chính là biểu hiện của bệnh tật mọi người không nên chủ quan. Để tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng, nguy hiểm người bệnh cần tìm đến các bệnh viện với những bác sĩ chuyên khoa, đây là điều cần thiết để chẩn đoán đúng, điều trị trúng, tăng hiệu quả, giảm rủi ro và chi phí.

Vân Sơn