Hi hữu trẻ suýt chết vì… nghịch rắn độc chết
(Dân trí) - Thấy con rắn cạp nia nhỏ, bé Tuấn Anh (Nam Bình, Ninh Bình) dùng gậy đánh chết rắn. Nhưng thay vì vứt rắn đi, cậu bé mải mê “khám phá” , nghịch ngợm con rắn đã chết, không may, răng rắn cắm vào tay cậu bé…
Chỉ vì vết răng nhỏ của con rắn đã chết phập vào tay, cậu bé này đã trải qua 8 ngày điều trị với nhiều lần ngừng thở, dọa ngừng tim... Ảnh: H.Hải
Anh Phạm Văn Kha, bố bé Tuấn Anh cho biết, tối 21/7 anh cho con lên nhà bác chơi. Ăn tối xong, 3 chị em cùng đi chơi với nhau, không hiểu làm thế nào lại bắt được một con rắn cạp nia nhỏ và 3 bé dùng gậy đánh chết rắn. Nghĩ rắn đã chết, không còn nguy hiểm, Tuấn Anh “khám phá” con vật, dùng tay cạy miệng rắn, không may bị răng rắn cắm vào ngón trỏ của tay phải.
Nghĩ là rắn đã chết, vết cắm không sâu nên về nhà, cậu bé cũng không nói lại gì với người lớn. Nhưng đến 2h sáng 22/7, Tuấn Anh cứ lịm dần đi, gọi hỏi thì không thể nói được, gia đình mới vội đưa vào bệnh viện Ninh Bình cấp cứu. Xác định cháu bé bị ngộ độc nọc độc rắn, bệnh viện đã chuyển thẳng bệnh nhi ra TT Chống độc (BV Bạch Mai) và sau đó bé được chuyển về khoa Nhi.
“Bệnh nhi này nhập viện trưa 22/7 trong tình trạng rất nặng, đã bị liệt cơ hô hấp dẫn đến ngưng thở, co giật rất nặng, không nói được. Ngay lập tức, bệnh nhi được thở máy, truyền dịch, dùng thuốc chống co giật, tiêm kháng sinh chống nhiễm khuẩn, tuy nhiên tiên lượng rất khó khăn bởi những người bị liệt cơ hô hấp do nọc độc rắn gây ra nguy cơ tử vong đến 70 - 80%”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết.
Dù được cấp cứu, thở máy, truyền dịch ngay lập tức nhưng vì đã liệt cơ hô hấp nên phản xạ ho của bệnh nhi gần như không có, khiến việc thở máy cũng khó khăn. Nhiều lần bệnh nhi bị tắc ống nội khí quản. Rồi có lần bệnh nhân đã dọa ngừng tim, phải dùng thuốc trợ tim.
Trải qua 8 ngày điều trị, bệnh nhi mới vượt qua được nguy kịch nhưng vẫn còn rất khó nói chuyện, phát âm.
“Tuy vậy, đến nay đã hoàn toàn có thể khẳng định bé đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch vì nọc độc rắn. Thời điểm bé nhập viện, chúng tôi không tin nổi là sẽ cứu được cháu bởi tình trạng ngộ độc quá nặng, liên tục ngừng thở, ngừng tim…”, BS Dũng nói
PGS Dũng cho biết, tai nạn rắn cắn gặp rất nhiều ở trẻ em, chủ yếu gặp ở các bé không may bị rắn cắn. Còn đây là trường hợp hi hữu, bị ngộ độc nọc rắn sau khi rắn đã chết.
“Các loại rắn độc vừa chết, nọc độc vẫn còn nguyên trên vùng khoang miệng, răng, nước bọt của rắn nên nếu không may bị răng rắn cắm vào như trường hợp cậu bé này cũng không khác gì bị rắn còn sống cắn”, TS Dũng nói. Vì thế, nếu không may bị rắn cắn, ngoài việc sơ cứu tại chỗ như bóp chảy máu, ga rô chỗ rắn cắn thì người nhà cần khẩn trương đưa trẻ đến viện ngay khi trẻ còn tỉnh táo, càng điều trị sớm cơ hội qua khỏi càng cao. Còn để xảy ra tình trạng liệt cơ hô hấp thì việc điều trị khó khăn, tiềm ẩn rất nhiều rủi roc ho người bệnh.
Hồng Hải