Hi hữu người phụ nữ sinh con dù đã triệt sản
(Dân trí) - Làm thế nào mà một người phụ nữ không còn ống dẫn trứng lại có thể sinh con?
Năm 2015, Elizabeth Kough, một bà mẹ ba con, đã triệt sản bằng cách cắt bỏ ống dẫn trứng. Vì tinh trùng thường thụ tinh với trứng trong ống dẫn trứng, nên việc loại bỏ ống dẫn trứng qua một thủ thuật y tế sẽ ngăn chặn việc thụ thai.
Vì vậy, vào năm 2018, khi Kough biết rằng mình đang mang thai đứa con thứ tư, cô đã rất sửng sốt.
"Khi phát hiện ra mình có thai, tôi đã rất lo rằng em bé sẽ nằm trong ổ bụng, nhưng chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên và vui mừng khi biết em bé thực sự nằm trong tử cung của tôi, nơi mà đúng là bé phải ở", cô nói.
Vào tháng 3, Kough đã sinh một bé trai được đặt tên là Benjamin. Người mẹ chia sẻ rằng các bác sĩ đã cố gắng tìm hiểu xem làm thế nào mà cô lại có thể mang thai khi không còn ống dẫn trứng, và họ đoán đó là do ca phẫu thuật của cô đã bị sai sót.
Nhưng sau khi xem hồ sơ bệnh án và kiểm tra cơ quan này trong ca mổ để sinh Benjamin, các bác sĩ đã xác nhận rằng thủ thuật cắt bỏ ống dẫn trứng của Kough thực sự thành công.
"Không có ống [dẫn trứng], và Benjamin là một em bé rất hiếm. Rất hiếm khi điều này xảy ra và chúng tôi rất may mắn khi có bé ở đây", Kough nói.
Thông thường, để đậu thai mà không có ống dẫn trứng đòi hỏi sự can thiệp của y học
Khi một phụ nữ có cơ quan sinh sản nguyên vẹn mang thai, đó là vì một quả trứng “rụng” ra từ buồng trứng và bị "hút" vào ống dẫn trứng, Tiến sĩ Brooke Hodes-Wertz, Khoa Phụ Sản Trung tâm sinh sản Langone NYU, nói. Sau khi vào trong, tinh trùng gặp trứng trong ống dẫn trứng và thụ tinh thành hợp tử. Từ đó, hợp tử đi vào tử cung qua ống và phát triển thành phôi.
Nếu một phụ nữ không có ống dẫn trứng - thường xảy ra do biến chứng cần phải cắt bỏ ống dẫn trứng - cô ấy thường cần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để mang thai, vì quá trình này có thể tránh hoàn toàn ống dẫn trứng, theo TS Hodes-Wertz.
Tình huống của Kough là rất hiếm và thường dẫn đến các biến chứng, nhưng vẫn có thể xảy ra
Ca mang thai tự nhiên khi không còn ống dẫn trứng của Kough khiến các chuyên gia y tế bối rối. "Đây là trường hợp rất khác thường và chỉ có một vài báo cáo về trường hợp như vậy trước đây", TS Hodes-Wertz nói.
Cách duy nhất có thể xảy ra là có một lỗ thông nhỏ ở mô nơi ống dẫn trứng nối với tử cung. "Bạn hy vọng [mô đó] đã bị đóng [trong khi phẫu thuật], nhưng không phải lúc nào cũng như vậy".
Chỗ thông này cho phép tinh trùng và trứng gặp nhau ở đâu đó trong khoang bụng của người phụ nữ, mặc dù không rõ chính xác nơi trứng và tinh trùng phát triển thành phôi, theo TS. Hodes-Wertz. Nếu nó ở ngoài tử cung thì nó vẫn phải tìm đường đến tử cung để phát triển an toàn trong suốt thai kỳ. Nếu không, nó sẽ trở thành thai ngoài tử cung và phải được chấm dứt bằng phẫu thuật hoặc thuốc, theo Hội Thai nghén Mỹ.
TS. Hodes-Wertz nói: "Phần lớn các trường hợp mang thai xảy ra sau khi cắt ống dẫn trứng sẽ bị chửa ngoài tử cung vì [phôi] không thể trở lại tử cung". "Thật kỳ diệu ở trường hợp này là tinh trùng tìm thấy trứng và sau đó đi vào tử cung."
Cẩm Tú
Theo Insider