Hi hữu ca cắt u gan nhưng bị “cấm” truyền máu
(Dân trí) - Bệnh nhi bị khối u lớn ở gan phát triển nhanh với hệ thống nhiều mạch máu nuôi, gia đình đồng ý phẫu thuật nhưng “cấm” truyền máu của người khác. Với sự hỗ trợ của hệ thống truyền máu hoàn hồi, các bác sĩ đã cắt thành công u gan cứu bệnh nhi.
Trường hợp hy hữu trên là ca bệnh của bé Nguyễn G.B. (11 tuổi, ngụ tại quận 6, TPHCM). Khoảng 6 tháng trước, sức khỏe có biểu hiện khác thường nên G.B. được gia đình đưa đến bệnh viện kiểm tra. Qua thăm khám, chẩn đoán hình ảnh bác sĩ xác định G.B. bị khối u lớn ở gan nên chỉ định phẫu thuật.
Lo lắng cho sức khỏe của con, gia đình bệnh nhi đồng ý cho bé bước vào cuộc mổ. Tuy nhiên, vì lý do riêng của tôn giáo, gia đình đang theo nên phụ huynh chỉ chấp thuận thực hiện cuộc mổ với điều kiện bác sĩ không được truyền máu của người khác kể cả cha hoặc mẹ và anh em trong gia đình cho bệnh nhi.
Yêu cầu của gia đình đã gây khó cho bác sĩ, vì thế nhiều bệnh viện đã “lắc đầu” trước nguy cơ mất máu nhưng không được truyền bổ sung sẽ đe dọa sinh mạng bệnh nhi ngay trên bàn mổ.
Sau 6 tháng đi nhiều bệnh viện nhưng không thể phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi diễn tiến ngày càng xấu. G.B. được chuyển đến một bệnh viện tư trên địa bàn TPHCM điều trị. Qua hình ảnh kiểm tra, bác sĩ phát hiện khối u gan của bệnh nhi phát triển nhanh từ 7cm lên 10cm với hệ thống nhiều mạch máu nuôi.
Phía bệnh viện đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, tìm giải pháp cứu chữa bệnh nhi. Với sự hỗ trợ của hệ thống truyền máu hoàn hồi, bệnh viện đã đồng ý với yêu cầu “không truyền máu của người khác, kể cả máu của thân nhân bệnh nhân” cho bệnh nhi và chỉ định thực hiện phẫu thuật.
Bác sĩ cho biết, trước ca mổ bệnh nhi được uống thuốc để kích hồng cầu phát triển. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhi được truyền các dịch truyền thay thế máu để bảo đảm sức khỏe suốt quá trình mổ. Để bảo đảm sức khỏe của bé, bệnh viện chủ động sử dụng máy truyền máu hoàn hồi (Cell Saver) dùng chính máu của người bệnh truyền trả lại cho bệnh nhân.
Phương pháp này đặc biệt hữu ích vì có thể hoàn hồi đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể, hạn chế tối đa nhu cầu truyền máu, tránh được những biến chứng nguy hiểm của phương cách truyền máu đồng nhóm cổ điển, giúp giảm áp lực thiếu máu cho bệnh viện cũng như cho ngành y nói chung.
Ngày 5/9, bệnh nhi bước vào cuộc mổ, tê kíp phẫu thuật đã hạ huyết áp của bé xuống để giảm chảy máu khi cắt gan. Lượng máu bị mất trong quá trình mổ (khoảng 200ml) được hệ thống truyền máu hoàn hồi hút ra, đưa qua thiết bị lọc rồi bơm trả lại cho cơ thể bệnh nhi. Các bác sĩ đã khống chế mạch máu lớn nuôi khối u gan và cắt thành công khối u (có chứa túi mật) kích thước lên tới 10cm chiếm 15% thể tích gan.
Hơn 1 tuần sau cuộc mổ, sức khỏe bệnh nhân nhanh chóng bình phục. Hiện cậu bé đã có thể đi lại, ăn uống bình thường.
Vân Sơn