Hi hữu bé 2 tuổi sống sót sau khi ngã xuống ao

(Dân trí) - Chơi cùng bạn chạc tuổi ngay cạnh bờ ao, bé N.V.L không may rơi xuống nước. May mắn, cậu bé kia vẫn kịp chạy vào nhà gọi người lớn. Trong suốt thời gian đến viện, bé hoàn toàn hôn mê.

Gia đình bệnh nhi cho biết, ngay khi được cháu bé chạy lên nói L ngã xuống ao, mọi người lập tức chạy ra nhưng đã không thấy cháu đâu mà chỉ thấy nước dưới ao có chỗ sủi tăm và vòng xoáy nước. Người bác vội nhảy xuống vớt cháu lên nhưng bé đã bất tỉnh.

Gia đình cũng không kịp sơ cứu, đưa thẳng bé ra Trạm y tế xã, rồi chuyển luôn lên khoa Nhi, BV Bạch Mai sau 3,5 tiếng bị ngã xuống nước. Trong suốt quá trình di chuyển từ nhà đến trạm xá và bệnh viện, bé luôn ở trong tình trạng hôn mê.

BS Nguyễn Hồng Phong, khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bé L nhập viện trong tình trạng tím tái, tăng trương lực cơ, nhịp tim nhanh, tự thở, hôn mê. “Trong suốt cả quá trình từ lúc được vớt lên đến khi nhập viện bé không tỉnh tí nào nên chắc chắn đã có tổn thương não. Trong khi đó, mũi miệng bé sạch, vẫn tự thở được nên lúc này, bác sĩ không đặt vấn đề tối quan trọng đầu tiên là cấp cứu đường thở mà là vấn đề chống phù não. Bé được cho thở oxy liều cao, dùng kháng sinh và sau hơn 1 tuần điều trị bé đã ổn định, sức khỏe tốt và không để lại di chứng”, BS Phong nói.

Theo BS Phong, đây là trường hợp khá đặc biệt và may mắn, bởi thời gian hôn mê trước khi đưa đến viện lâu, có phù não nhưng bé đã không bị di chứng não, bệnh nhi sau khi tỉnh lại vẫn chạy nhảy, chơi đùa như bình thường.

Cũng trong đầu hè, khoa Nhi tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 3 tuổi theo anh đi tắm tại bể bơi, bé đi men bể bơi, rơi xuống nước nhưng may mắn được vớt lên bờ nhanh nên không gây tổn thương gì đặc biệt.
 
BS cũng lưu ý, với nhiều trường hợp đuối nước, chưa được sơ cứu đúng để lại những di chứng nặng nề, thậm chí trẻ mất cơ hội sống. Mọi người đều có thói quen khi vớt trẻ đuối nước lên cứ dốc ngược người và chạy để tốc nước ra ngoài. Cách làm này không đúng, không có tác dụng với trường hợp không tự thở được, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người đuối nước như chấn thương cổ….
 
Vì thế, khi bị đuối nước, việc sơ cứu phải tuân thủ chặt chẽ đúng 3 nguyên tắc: Thứ nhất, ngay khi vớt lên bờ phải kiểm tra đường thở, xem mũi miệng nạn nhân có dị vật không. Nếu có phải  cố gắng lấy hết dị vật trong mũi, miệng. Nếu trong miệng, mũi nạn nhân có nước có thể sử dụng biện pháp ép ấn lồng ngực hoặc lấy miệng hút trực tiếp. Tiếp đó cần lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế. Tại cơ sở y tế tuyến dưới, bác sĩ cần kiểm tra  Khi đến cơ sở y tế tuyến dưới phải thực hiện các bước kiểm tra ngay đường thở xem nạn nhân có tự thể được không (do trẻ đuối nước có thể gây phù phổi cấp), nếu không phải tiến hành đặt nội khí quản ngay lập tức. Nếu bệnh nhân có tổn thương co giật phải cho bệnh nhân dùng thuốc an thần ngay sau đó mới chuyển lên tuyến trung ương để tránh tổn thương não nặng, có thể để lại di chứng, thậm chí tử vong.
 
BS Phong lưu ý thêm, có những trường hợp sau khi vớt lên trẻ tỉnh nên người nhà chủ quan nghĩ bé không sao, không cần theo dõi và đưa đi viện. Thực tế, có những trẻ khi vớt lên tỉnh táo, nhưng sau đó bị suy hô hấp lần hai. Tại khoa Nhi cũng từng cứu chữa một trường hợp suy hô hấp lần 2 sau đuối nước, bệnh nhân về nhà tỉnh táo, ăn uống bình thường sau vài tiếng mới lên cơn khó thở.

“Những trường hợp suy hô hấp lần 2 nếu không phát hiện sớm bệnh dễ trở nặng. Trẻ bị suy hô hấp sau đuối nước là do tình trạng nước bẩn gây viêm phổi dẫn tới suy hô hấp. Do đó, với trường hợp đuối nước, dù có tỉnh táo hoàn toàn sau đó nhưng vẫn cần phải theo dõi sát, nếu phát hiện có khó thở hoặc có sốt cần đưa trẻ đến viện ngay”, BS Phong khuyến cáo.

Tú Anh