Hết đau lưng nhờ tập thể thao
Tập luyện các môn thể thao, bài tập tốt cho cơ lưng là phương pháp điều trị bền vững và rẻ tiền nhất cho bệnh nhân đau lưng do thoát vị đĩa đệm
Gần đây, chị Ng.T.N (30 tuổi) thường xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau lưng. Nghĩ rằng do làm việc nhà sai tư thế, chị cố gắng nghỉ ngơi nhưng cơn đau ngày càng có vẻ trầm trọng hơn.
Vận động mạnh hay tĩnh tại đều là nguyên nhân
Hết chịu nổi, chị N. đi khám. Bác sĩ cho biết chị bị thoát vị đĩa đệm. Chị N. bất ngờ vì chỉ là nhân viên văn phòng, suốt ngày ngồi phòng máy lạnh, không làm gì nặng, cũng chưa một lần bị cụp xương sống.
Theo bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, thoát vị đĩa đệm gây đau lưng hoàn toàn có thể gặp ở cả người bị chấn thương do tập luyện cũng như người ngồi nhiều. Do hiện nay, ngày càng nhiều người có lối sống tĩnh tại, ngồi làm việc nhiều trước máy tính nên nhóm người bị đau lưng do ngồi có phần tăng lên.
Người ít vận động, ngồi hàng giờ trước máy tính sẽ làm cột sống thoái hóa sớm và các tổ chức liên quan cũng không còn đủ sức giữ đĩa đệm nằm yên vị trí. Có khi vô tình, một tác động nhỏ như cúi người vội vàng, bưng vật nặng… cũng khiến đĩa đệm bị thoát vị. Đĩa đệm thoát vị gây chèn ép các tổ chức khác như thần kinh gây đau và hiện tượng thoái hóa cột sống sớm do ngồi nhiều cũng gây đau. Do đó, người bệnh có cảm giác đau lưng rất khó chịu.
Có thể hình dung đĩa đệm nằm giữa các đốt sống của bạn. Thông thường, nó được giữ yên vị và có vai trò đệm giữa các đốt sống. Khi chấn thương hay cột sống bị thoái hóa, đĩa đệm không được giữ yên mà trật ra ngoài, gây chèn ép vào thần kinh, dây chằng… và gây đau đớn. Đau lưng kiểu này, nếu chỉ xoa bóp thì không thể khỏi.
Sau dưỡng thương phải tập luyện
Bác sĩ chuyên khoa II Vương Hữu Định, Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Vạn Hạnh (TP HCM), cho biết sai lầm đầu tiên mà người bị thoát vị đĩa đệm gặp phải là tưởng nó chỉ là đau cơ, mỏi lưng thông thường nên chỉ xoa bóp hoặc để vậy luôn.
Một thời gian khá dài sau đó, cơn đau có thể bớt hoặc hết. Do đĩa đệm chèn ép thần kinh quá lâu, thần kinh thoái hóa luôn nên cảm giác đau dần mất đi. Tuy nhiên, như vậy có nghĩa là thần kinh vùng đó đã bị tổn thương vĩnh viễn, những vùng cơ thể mà nó chịu trách nhiệm sẽ yếu đi. Đó là lý do một số người thậm chí bị yếu liệt tay, chân… do nguyên nhân ban đầu chỉ là thoát vị đĩa đệm.
Cơn đau do thoát vị đĩa đệm thường rất khó chịu, không như mỏi lưng thông thường. Đau quá, đau kéo dài thì phải đi khám. Tùy mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị. Đa số các trường hợp mới bị có thể điều trị bảo tồn không khó.
Theo bác sĩ Định, ban đầu, bệnh nhân cần nghỉ ngơi để "dưỡng thương". Nếu không nghỉ ngơi, thương tổn sẽ nặng thêm. Nhiều trường hợp chỉ cần nghỉ ngơi, đĩa đệm đã được khôi phục vị trí, không còn chèn ép nên bệnh nhân hết đau. Sau đó là giai đoạn điều trị bằng các bài tập phù hợp.
Bác sĩ Đỗ Trọng Ánh cho biết bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cần giữ tư thế đúng. Ví dụ, muốn bưng vật nặng thì phải ngồi xuống, ôm vật đó rồi đứng lên trong tư thế cột sống vẫn thẳng. Chỉ cần cúi gập người bưng đồ là có thể tái phát. Sau đó, họ cần luyện tập thể dục thể thao đều đặn, chú trọng các bài tập tăng cường sự dẻo dai của lưng. Các tổ chức ở vùng lưng khỏe mạnh thì sẽ gánh việc bớt cho cột sống. Cột sống và hệ thống dây chằng dẻo dai hơn thì đĩa đệm sẽ tăng cơ hội được giữ yên vị.
Sai lầm lớn nhất mà một số bệnh nhân mắc phải là tập một thời gian, thấy khỏe nên nghỉ. Nên duy trì việc tập luyện, không chỉ vì nó tốt cho sức khỏe tổng thể mà thể thao là cách điều trị bền vững và rẻ tiền cho chứng thoát vị đĩa đệm. Thuốc men chỉ là giải pháp tạm thời, không giúp ngăn chứng này tái phát.
Bơi là lựa chọn dễ dàng và tốt nhất
Bơi là môn thể thao mà cả bác sĩ Đỗ Trọng Ánh lẫn bác sĩ Vương Hữu Định đều khuyên bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nên tham gia. Lý do là môn thể thao này giúp bệnh nhân giảm áp lực lên cột sống nhờ tư thế và môi trường nước. Bệnh nhân sẽ không đau đớn khi tập, đồng thời tăng cường sự dẻo dai cho các tổ chức cơ - xương - khớp ở vùng lưng rất tốt. Đó là một trong các bài tập hiệu quả để thoát vị đĩa đệm không tái phát.
Theo Anh Thư
Người lao động