Herpes: Vô hại hay kẻ thù giấu mặt?
(Dân trí) - Thỉnh thoảng, một vùng mụn nhỏ xuất hiện ở viền môi rồi biến mất nhanh chóng… Nhiều người chủ quan, không biết rằng bệnh mụn rộp không chỉ làm gương mặt kém hoàn chỉnh mà còn thực sự là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
100% dân châu Á bị nhiễm
Bệnh mụn rộp là một bệnh rất phổ biến trên hành tinh chúng ta, nó được tìm thấy ở 50 – 80% dân châu Âu, tỉ lệ nhiễm ở châu Á là 100%. Nó tấn công cả nam và nữ. Những người hay bị bệnh có độ tuổi trung bình là 20-29 tuổi…
Trên 30% các trường hợp sảy thai, thất bại trong việc mang bầu có liên quan với virus này. Nó cũng dẫn đến 50% các trường hợp sinh non, bao gồm cả các trường hợp thai chết lưu trước khi chuyển dạ vài ngày.
Thai phụ bị nhiễm virus HSV cũng làm tăng nguy cơ nhiễm độc cho thai nhi tới 40%. Virus có thể thâm nhập vào bào thai qua cuống rốn hoặc từ âm đạo, cổ tử cung trong quá trình bé được đẩy ra. 85% số trẻ bị nhiễm virus này trong quá trình sinh ra và 5% trẻ bị nhiễm khi đang nằm trong bụng mẹ.
Tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh do nhiễm herpes chiếm 5 - 70%, và chỉ có 15% số trẻ được cứu sống phục hồi sức khỏe hoàn toàn.
Hiện nay, virus này nằm trong nhóm các bệnh viêm nhiễm tác động tới hệ thần kinh trung ương (bao gồm cả não bộ), hệ hô hấp, hệ mạch, hệ tiêu hóa...
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ herpes sinh dục hiện đứng ở hàng thứ 3 trong số các bệnh lây qua đường tình dục ngày nay. Ở những trường hợp nặng, HSV tấn công vào nhiều cơ quan trong cơ thể cùng một lúc, bao gồm cả hệ miễn dịch, hệ thần kinh và cuối cùng, chúng sẽ rút vào vòng bí mật, chờ cơ hội mới. Các nhà khoa học khẳng định rằng virus herpes có khả năng liên kết nhanh và trở nên nguy hiểm hơn khi gặp virus HIV. HSV cũng liên quan tới quá trình phát triển một số bệnh ung thư…
HSV1 và HSV2
Ngày nay, có hơn 100 loại virus và chỉ có 8 trong số này gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, đặc biệt là HSV1 và HSV2:
- Virus herpes đơn hình týp 1 (HSV1) và là virus phổ biến nhất, có khả năng thâm nhập vào cơ thể giống như virus cúm hoặc lây khi tiếp xúc với da hay các chất dịch từ người bị bệnh. Và virus này có thể tồn tại trong cơ thể trẻ nhỏ, nhi đồng, thiếu niên, tất nhiên là dưới dạng “hoạt động bí mật”.
- Việc nhiễm virus herpes đơn hình týp 2 (HSV2) thường xảy ra ngay khi bắt đầu sinh hoạt tình dục. Virus sẽ xâm nhập qua da, qua sự tiếp xúc giữa 2 bộ phận sinh dục và cũng có thể đi vào cơ thể theo tinh dịch, các dịch ở mắt và mũi. Ở những cặp kết hôn, nếu 1 trong 2 người bị nhiễm thì nguy cơ lây cho đối tác là 10% mỗi năm.
90% không biết mình bị nhiễm HSV
Khi quan hệ tình dục đường miệng, nếu bộ phận sinh dục bị nhiễm bệnh, virus HSV sẽ theo nước bọt, khu trú trong miệng của đối tác với tỉ lệ nhiễm lên tới 99%.
Theo cách nhìn truyền thống, HSV1 sẽ khu trú ở nửa trên của cơ thể (từ phần eo trở lên), tấn công các vùng da, môi, miệng và giác mạc trong khi HSV2 khu trú ở phần dưới thắt lưng, nguyên nhân gây ra các bệnh đường sinh dục. Tuy nhiên, điều này không còn đúng với hiện nay nữa.
Cơ quan đầu tiên của cơ thể tiếp xúc với virus là hệ miễn dịch và virus sẽ bị suy yếu khi hệ miễn dịch đó đủ mạnh. Điều này giải thích một thực tế rằng tới 90% trường hợp không hề biết mình bị nhiễm bệnh do không có bất cứ biểu hiện nào. Trong số 9% những người bị nhiễm và bộc lộ ngay với các triệu chứng như khó ở, ốm yếu, mệt mỏi và một số triệu chứng khác có thể chẩn đoán. Chỉ 1% người bị nhiễm là có các triệu chứng điển hình của bệnh.
“Đồng minh” của HSV
Những vết phồng rộp nhỏ, chứa nước trong suốt nổi trên bề mặt da, gây ngứa, sưng và nề cả vùng da. Thường thì triệu chứng ngứa và sưng đỏ sẽ diễn ra trước khi các nốt phỏng rộp xuất hiện 1 - 2 ngày. Các nốt phỏng rộp cũng sẽ nhanh chóng vỡ và se lại sau đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng các virus này không còn tồn tại trong cơ thể mà chúng chỉ đi “ở ẩn”, chờ cơ hội mới như:
- Nhiễm trùng
- Căng thẳng, stress
- Mất thăng bằng giữa thể chất và tinh thần
- Vào kỳ kinh nguyệt
- Tiếp xúc với tia tử ngoại
- Uống rượu
- Uống một số loại thuốc
Trung bình một năm, bệnh sẽ tái phát khoảng 5 lần và thường ở cùng 1 vị trí. Nếu hệ miễn dịch bị suy yếu, bệnh có thể bùng phát, xuất hiện ở nhiều vùng da cùng 1 lúc.
Nếu hệ sinh dục bị nhiễm khuẩn, triệu chứng sẽ xuất hiện trong vòng 1 - 10 ngày. Những người bị ốm có thân nhiệt cao hơn 38độ C sẽ làm cho các mụn rộp thêm lớn và đau nhức hơn.
Các đốm mụn rộp và vùng da đỏ thường xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Trong suốt giai đoạn ngứa ngáy, tấy đỏ và thậm chí cả cảm giác đau không chỉ thấy ở bộ phận sinh dục mà nó còn lan sang cả vùng eo, xương cùng và phần dưới thắt lưng. Khi những đốm mụn rộp vỡ, những vết loét có thể xuất hiện và rồi khô thành vẩy.
Nếu bị mụn rộp lần đầu, thời gian phác tác của bệnh có thể kéo dài 3 - 5 tuần.
Những người nên làm xét nghiệm tìm virus herpes?
- Phụ nữ, những người đang muốn sinh bé
- Thai phụ nếu họ thấy có cái mụn nhỏ giống như mụn rộp.
- Thai phụ, chị em và cả nam giới nói chung, nếu đối tác trong quan hệ tình dục bị nhiễm herpes.
- Phụ nữ và nam giới bị bệnh hệ niệu - sinh dục mà không thể điều trị bằng kháng sinh (viêm bọng đái, viêm cổ tử cung ở phụ nữ)
- Trẻ sơ sinh có dấu hiệu bị bệnh herpes.
Nếu bạn đang muốn có bé, nên kiểm tra và điều trị bệnh mụn rộp khỏi hẳn trước khi mang bầu.
Tuy nhiên, nếu trước khi mang thai, người phụ nữ chưa từng bị bệnh mụn rộp thì sẽ nguy hiểm hơn những trường hợp đã từng bị do cơ thể họ chưa “quen” với bệnh này.
Tăng cường sức đề kháng
Thật không may, các loại thuốc tốt nhất hiện nay đều chưa thể loại bỏ virus herpes hoàn toàn khỏi cơ thể nhưng bạn có thể ngăn ngừa bệnh hiệu quả vào những thời điểm nhạy cảm.
Việc điều trị bệnh mụn rộp hiện nay bao gồm cả việc dùng thuốc, ngăn chặn quá trình sản sinh của virus và tăng cường sức đề kháng (bao gồm cả việc tạo ra “hàng rào” bảo vệ cơ thể như: chế độ vận động, vệ sinh thích hợp; dinh dưỡng cân bằng, giàu vitamin và vi chất, không hút thuốc, uống rượu…).
Thu Phương
Theo Womanpassion