Hệ lụy đáng ngờ của ngồi bắt chéo chân
Nhiều người vẫn cho rằng ngồi bắt chéo hai chân có thể gây hại cho sức khỏe của bạn như tăng huyết áp, giãn tĩnh mạch hay giảm lưu thông máu. Những điều này chính xác đến đâu?
Suy tĩnh mạch
Suy tĩnh mạch là hiện tượng tĩnh mạch phình ra và nổi trên da, thường ở bắp và bàn chân. Chúng thường không nghiêm trọng, nhưng sẽ là một hiện tượng cần quan tâm nếu gây đau hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Tuổi tác, di truyền, béo phì, và mang thai là những yếu tố nguy cơ, nhưng ngành y học vẫn không chắc chắn đâu là nguyên nhân khiến các van nhỏ trong mạch máu căng ra và suy yếu, ngăn ngừa lưu thông máu chảy. Tuy nhiên, có một điều mà nhiều bác sỹ đều nhất trí rằng, nguyên nhân không phải do ngồi bắt chéo chân, mặc dù đó là niềm tin phổ biến.
“Bắt chéo chân không gây giãn tĩnh mạch”, Tiến sĩ Jon Modrall, một bác sĩ phẫu thuật mạch máu tại trường Đại học Y khoa Arkansas phát biểu trên trang web của trường này. “Đó là kết quả từ vấn đề nội tại của tĩnh mạch. Đứng lâu là một thói quen đang được tìm hiểu xem có phải là nguyên nhân của chứng giãn tĩnh mạch hay không. Thực tế, đứng có thể không phải là nguyên nhân nhưng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề đã sẵn có”.
Huyết áp và sức khỏe tim mạch
Một nghiên cứu năm 2007 cho thấy, ngồi bắt chéo chân ở phần đầu gối dẫn đến tăng huyết áp, nhưng kết quả tương tự không xảy ra khi người ta ngồi bắt chéo chân ở phần mắt cá chân. Kết luận được đưa ra là: Tư thế bắt chéo chân có thể khiến huyết áp gia tăng nhẹ, mặc dù không đủ để làm thiệt hại lâu dài. Sở dĩ như vậy bởi chân bắt chéo đẩy nhiều máu đến tim hơn, nhưng không có nghĩa là nó sẽ gây hại cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, với những người có nguy cơ bị máu vón cục, tốt nhất là cân nhắc về tư thế ngồi quá thường xuyên vì quá ít vận động có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Giảm lưu thông máu
Có rất ít bằng chứng cho thấy ngồi bắt chéo chân có thể ảnh hưởng lâu dài đến lưu thông máu. Cũng giống như bất kỳ tư thế nào khác, nếu chân giữ một tư thế quá lâu có thể dẫn đến bị tê, nguyên nhân là chân bắt chéo tạo áp lực lên các dây thần kinh nằm ở mặt sau đầu gối, dẫn đến cảm giác này. Hầu hết mọi người sẽ thay đổi tư thế khi cảm thấy không thoải mái. Có lẽ điều quan trọng ở đây là tránh sự hoàn toàn tĩnh tại, mải tập trung vào việc khác mà quên thay đổi tư thế ngồi.
Tư thế tốt - cho dù đứng hay ngồi - có thể cải thiện chức năng của cơ bắp, lưu thông máu, và có lẽ quan trọng nhất là sự tập trung và thoải mái tinh thần. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tư thế tốt có thể cải thiện trí thông minh; ngăn ngừa các vấn đề về lưng và “bệnh ngồi”; cải thiện chức năng phổi; tránh xa bệnh tim mạch và tiểu đường.
Tóm lại, ngồi bắt chéo chân có thể không xấu; chỉ là không tốt nếu giữ nguyên vị trí đó trong vài giờ. Tốt nhất, hãy đấu tranh với lối sống ít vận động bằng cách đứng lên đi lại nửa giờ một lần, ngồi ở tư thế thẳng và duỗi ra thoải mái.
Theo Yến Chi
An ninh thủ đô