Hầu hết trẻ tự tử đều ở lứa tuổi dậy thì

(Dân trí) - Đây là kết quả nghiên cứu của TS. Tạ Văn Trầm, Phó giám đốc Bệnh viện tỉnh Tiền Giang vừa báo cáo tại Hội nghị khoa học toàn quốc Hội y tế công cộng Việt Nam lần thứ 4 tổ chức tại trường ĐH Y tế Công cộng mới đây.

Để làm rõ thêm vấn đề này Dân trí đã có cuộc trao đổi với tác giả của đề tài nghiên cứu.

 

Thưa ông, đề tài nghiên cứu này được thực hiện trên quy mô như thế nào?

 

Kết quả nghiên cứu được thực hiện trong 2 năm (2005-2006) đối với tất cả các trẻ tự tử nhập khoa cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang.

 

Phương pháp nghiên cứu thông qua các nguyên tắc: Hồi cứu cắt ngang mô tả; thu thập dữ liệu qua phiếu điều tra; Xử lý phân tích dữ liệu trong các phương pháp thống kê y học.

 

Ông có thể cho biết tình hình nghiên cứu trong hai năm vừa qua?

 

Trong hai năm 2005-2006, toàn tỉnh có 39 trường hợp tự tử ở trẻ em trong số đó nữ chiếm 65%, 69% ở độ tuổi 14 - 15 tuổi. Đa số các trường hợp đến từ thành phố Mỹ Tho (45%) và các huyện thị trong tỉnh.

 

Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy hầu hết trẻ tự tử ở lứa tuổi dậy thì, trẻ nữ thường tự tử nhiều hơn trẻ nam do sự khác biệt về tâm sinh lý, hầu hết các trẻ đều sống trong gia đình lao động chân tay, cha mẹ có trình độ học vấn thấp, không có đủ thời gian quan tâm chăm sóc, dạy dỗ cho trẻ.

 

Ông có thể giải thích rõ thêm về việc trẻ nữ dễ có nguy cơ tự tử cao hơn?

 

Hiện nay do nhu cầu xã hội ngày càng tăng nên tâm sinh lý của trẻ cũng sớm phát triển theo. Trẻ nữ thường dậy thì sớm hơn trẻ nam do đó thường hay lo lắng và lầm lẫn giữa tình yêu và tình bạn khác giới thân thiết và khi nhận ra thì trẻ thường bị thất vọng và đau khổ. Đây là lý do tại sao tôi nói trẻ nữ dễ có nguy cơ tự tử cao hơn.

 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ tự tử ở tỉnh Tiền Giang vừa qua là do đâu, thưa ông?

 

Nguyên nhân tự tử trẻ thường do xung đột trong gia đình (chiếm 89%). Số ca tự tử chủ yếu dồn vào những đối tượng trẻ đang còn đi học.

 

Theo khảo sát chúng tôi thì nhiều trẻ tự tử là do bi quan, chán nản bực tức, nóng nảy bất cần… khi bị cha mẹ la rầy.

 

Bên cạnh đến thì cũng có một số trẻ tự tử do bị điểm kém, lưu ban.

 

Tình trạng tái tự tử có phổ biến không thưa ông?

 

Kết quả khảo sát ở bệnh viện Tiền Giang cho thấy tỷ lệ tái phát sau lần tự tử đầu thay đổi từ 10 - 40% với nguy cơ cao nhất trong vòng 6 tháng đầu và phương tiện sử dụng ngày càng nguy hiểm.

 

Vậy trẻ thường tự tử bằng phương thức nào?

 

Thông thường trẻ thường tự tử bằng thuốc hoặc bằng hoá chất.

Đa số trẻ ở nông thôn tự tử bằng hoá chất, cụ thể là bằng thuốc trừ sâu. Đối với trẻ ở thành thị thì chủ yếu tự tử bằng thuốc ngủ.

 

Để hạn chế tình trạng trẻ tự tử hiện nay thì chúng ta cần có những biện pháp như thế nào thưa ông?

 

Theo tôi thì chúng ta cần phải tăng cường chăm sóc sức khoẻ cho trẻ vị thành niên.  Bên cạnh đó cũng cần phải theo dõi trước mắt và lâu dài đối với trẻ tự tử, đây là vấn đề rất quan trọng trong dự phòng tái tự tử.

 

Chúng tôi mong rằng các trường hợp tự tử nhập viện cần được theo dõi, quan tâm, chăm sóc của Bác sỹ, Điều dưỡng khoa cấp cứu cả trong và sau tự tử, phối hợp với Bác sỹ tâm lý và của toàn xã hội.

 

Xin cảm ơn ông.

 Nguyễn Hùng (thực hiện)