1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hành trình một học sinh giỏi toán thành người loạn thần

Từ một học sinh giỏi Toán, Tuấn trở thành người bị loạn thần. Em phải nghỉ học 3 năm để điều trị bệnh. Gặp mẹ Tuấn, chị đau khổ nói: “Thế là hết tương lai. Coi như chị trắng tay rồi em ạ”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, viện sức khỏe tâm thần đang khám cho bệnh nhân bị sức ép vì học.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, viện sức khỏe tâm thần đang khám cho bệnh nhân bị sức ép vì học.
Bài học đau đớn

 

Nỗi đau khổ của người mẹ ấy hằn rõ trên khuôn mặt. Ngày nào, chị còn kỳ vọng con mình sẽ đi ôn thi, vào đại học, rồi ra trường, có việc làm, lấy vợ.

 

Hai vợ chồng chị Dung, mẹ Tuấn, đã tậu sẵn một ngôi nhà trên đường Lê Duẩn để sau này cho cậu con trai. Giờ, chị chả còn đầu óc đâu mà nghĩ như vậy nữa rồi.

 

Chị Dung có 2 người con trai. Một đứa nay đã học đại học. Một đứa còn lại là Tuấn.

 

Khi sinh ra, Tuấn như bao đứa trẻ khác: nghịch ngợm, bướng bỉnh, thích chơi game, tư duy tốt, sắc sảo. Chị Dung kể: Từ lúc bé, Tuấn đã khá sắc sảo, nói năng đâu ra đấy. Chị kỳ vọng vào Tuấn còn nhiều hơn cậu anh.

 

Chị có cửa hàng ở phố Huế, nên việc làm ăn khá thuận lợi. Hàng ngày, chị chỉ việc ra đó để quản lý nhân viên. Chồng chị cũng chỉ túc tắc ra cửa hàng cùng vợ, ngoài ra, hàng ngày anh đưa đón Tuấn đi học.

 

Tuấn đã lớn nhưng anh chị không cho Tuấn tự đi xe đạp hay đi bộ đi học. Nhiều người góp ý, anh chị bảo: Chỉ lo con đi bộ mệt, đi xe nhỡ may xảy ra tai nạn thì ân hận cả đời.

 

Cuộc sống của Tuấn chỉ gói gọn từ nhà đến trường rồi về nhà. Đi một bước, Tuấn đã có bố và mẹ đưa đón.

 

Tuấn không được đi chơi. Chị Dung bảo: “Đi ra đường bây giờ nghiện ngập đầy, không gặp bạn tốt mà gặp bạn xấu thì chỉ có mất con. Ở nhà cho lành”.

 

Từ những quan điểm ấy mà cả Dũng, con lớn của anh chị cũng như sống trong một vòng khép kín: Đi học, về nhà đọc truyện, xem ti vi, lên mạng.

 

Tuấn lúc nào cũng bị bố nhắc: “Học, học đi con”. Giờ kể lại, bố Tuấn bảo: Thấy con học chăm quá, ngoan quá nên cứ để cho nó học. Giờ thấy ân hận…

 

Khi Tuấn lớn hơn một chút, mẹ Tuấn chợt nhận ra tại sao con mình ít bạn? Sau đó, chị khuyến khích cháu đi chơi. Nhưng rồi nó không thiết nữa, suốt ngày chỉ ở nhà. Chị đã thấy lo lo.

 

Từ khi học lớp 9, Tuấn đi thi học sinh giỏi quận, môt lần được giải Nhất, một lần đạt giải Nhì môn Toán. Nhưng đến vòng thi cấp thành phố thì Tuấn trượt.

 

Cô giáo Tuấn kể với chị Dung: Trượt nó buồn lắm, buồn 2 tháng liền. Đến khi đi thi tốt nghiệp để lên cấp 3, cháu làm sai 1 bài nên chỉ được 8 điểm. Tuấn chán nản trông thấy.

 

Có thời gian, Tuấn lại lao vào chơi điện tử, ngày chơi 3 lần, mỗi lần chơi 2 - 3 tiếng đồng hồ. Thế giới của Tuấn như bó hẹp hơn bên bàn máy tính.

 

Lên lớp 10 chuyên tự nhiên, môi trường mới, cái gì với Tuấn cũng lạ lẫm. Hai bạn thân hồi cấp 2 học cùng trường cấp 3 nhưng mỗi đứa một lớp. Tuấn càng thấy cô đơn.

 

Vào lớp chuyên, Tuấn phải học hành vất vả hơn. Với Tuấn, mục tiêu là học thật giỏi và đỗ đại học. Tuấn cũng có một tâm lý lo sợ khi nhìn thấy anh bị trượt đại học năm đầu tiên nên cậu càng cố.

 

Lúc nào cũng nghe tiếng bạn trêu

 

Rồi Tuấn trở nên khó tính, hay cau có. Trên lớp, Tuấn không có bạn vì sự khó tính của mình. Bản thân Tuấn thấy không thích chơi với bạn. Tuấn ra dáng người lớn, nghiêm chỉnh, không thích kiểu bông đùa của tuổi học trò. Tuấn ghét kiểu bọn con trai thích thích con gái. Tuấn dị ứng với điều đó.

 

Tuấn bị cận, nhưng nhất định không đi đo kính. Tuấn lại cao lớn lên được xếp ngồi bàn cuối. Không nhìn thấy rõ chữ trên bảng, Tuấn phải căng đầu, căng tai ra để nghe. Mà học trò thì vốn nghịch ngợm, các bạn phía dưới cười đùa,  Tuấn không học được càng thấy khó chịu lắm.

 

Rồi Tuấn bị đau đầu triền miên nhưng vẫn lao vào học. Càng học càng mệt song cậu không có lựa chọn nào khác.

 

Khi thấy tính nết con mình không được hòa nhã, không hòa đồng cần phải trò chuyện tâm sự với con. Lắng nghe con nói dù đó có thể là điều sai lệch. Đừng để con sợ và sống thụ động. Cách nuôi dạy cũng chú ý cho con thư giãn, nghỉ ngơi.

 

Chị Dung, mẹ cháu Tuấn

 

Đến đầu năm lớp 11, Tuấn bắt đầu phát bệnh. Về nhà, Tuấn hay cáu, đến mẹ Tuấn thấy rất khó để nói chuyện, tâm sự với con.

 

Trong đầu Tuấn luôn văng vẳng tiếng cười nói, trêu chọc. “Mẹ ơi, 2 đứa con gái kia nó cứ trêu con, con nghe tiếng nó nói rõ ràng mà”.

 

Người mẹ buồn bã kể: “Tuấn lúc nào cũng như một người lớn. Nó càng cố gắng học thì càng mất bình tĩnh, điểm không cao. Lớp 10 không được học sinh giỏi lại càng cay cú”.

 

Khi đến khám bác sĩ tâm thần Tuấn vẫn nói: “Cháu mong muốn vào đại học, đi làm và giúp đỡ cha mẹ”.

 

Mẹ Tuấn không kìm lòng được kể: “Xót xa lắm em ạ, nhìn con như thế này nhưng không rời được nó. Các bác sĩ bảo Tuấn bị  loạn thần, “ảo thanh”".

 

Đằng đẵng 3 năm trời, Tuấn được khám ở bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương, rồi Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội…

 

Tuấn phải uống các loại thuốc rồi tiêm nhưng người vẫn lả đi, lờ đờ. Hết uống rồi tiêm, hàm Tuấn cứng ra mà bệnh tình vẫn vậy.

 

Có đợt bệnh nặng, trước Tuấn chỉ nghe thấy lời bình phẩm thì nay tiếng nói ấy còn đe dọa: “Mày phải đưa tao tiền”. Tuấn sợ quá nên không ngủ được. Khi dùng thuốc, Tuấn chỉ thức ngày  2 tiếng.

 

Bác sĩ kết luận con chị bị “tâm thần phân liệt”, rồi “rối loạn cảm xúc”… Gần đây, sức khỏe Tuấn đỡ hơn, dù vẫn nghe thấy tiếng trêu là béo.  Cũng có lúc Tuấn cảm giác đau như có người đấm vào bụng, mặt nghệt ra. Lúc thì bảo đau như có người cầm dao đâm vào cổ.

 

Cuối tháng 10, Tuấn lại được đưa đến khám tại viện sức khỏe tâm thần. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng điều trị tâm thần phân liệt điều trị cho Tuấn nói: “Tuấn bị rối loạn cảm xúc tuổi vị thành niên. Nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa nội tiết trong cơ thể. Hơn nữa, học hành nhiều khiến bệnh khởi phát sớm. Nếu được điều trị, theo dõi chặt chẽ sẽ ổn định lại. Thậm chí có thể học hành bình thường".

 

Còn bác sĩ Bảo Ngọc, viện tâm thần Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cho biết: Khi con tự dưng có dấu hiệu bất thường về thần kinh cần đưa đi bác sĩ tâm thần thăm khám. Từ đó, xem xét có bị loạn thần hay không? Xã hội càng phát triển người bị tâm thần do yếu tố tâm lý càng nặng. Với nhiều em, khi bị sức ép học hành càng dẫn đến bị loạn thần.

 

Với những người bị đợt rối loạn tâm thần cấp cần điều trị kịp thời. Sau đó, phải theo dõi lâu dài.

 

Với những người bị loạn thần cần cho người bệnh thực hiện những hoạt động ít nguy hiểm. Có những bệnh nhân vẫn có thể học và vào được đại học. Tuy nhiên, nên hạ thấp mục tiêu hơn khi chưa phát bệnh. Nếu còn khả năng lao động thì phải tạo điều kiện cho người bệnh làm việc.

 

Theo Nguyễn Tâm

VTCnews