Hành trình hơn 200 ngày giữ thai của người mẹ suy thận mãn

(Dân trí) - Phát hiện có thai khi đang phải lọc máu định kỳ 3 lần/tuần chữa bệnh suy thận mãn, chị Hoàng Thị Yến mừng rơi nước mắt nhưng đầy thấp thỏm lo âu. Qua rất nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ quyết tâm cao nhất giữ thai cho người mẹ đã 7 năm nay khát con.

Ngày nào cũng 4 tiếng lọc máu, khám thai

Chị Hoàng Ngọc Yến (31 tuổi, ở Lĩnh Nam, Hà Nội) chia sẻ, giây phút lên bàn mổ sinh con (hôm 6/9/2015) suốt cuộc đời chị sẽ không thể quên. Bởi khi đó đã là tuần thai thứ 31, tiên tượng cho em bé đã tốt hơn và khi sinh con, đó là hạnh phúc ngập tràn sau hơn ngày đầy những nhọc nhằn, lo lắng về cái thai trong bụng.

Bác sĩ khám cho bé trước giờ xuất viện. Ảnh: H.Hải
Bác sĩ khám cho bé trước giờ xuất viện. Ảnh: H.Hải

Chị Yến cho biết, chị lập gia đình từ năm 2008 và sớm cấn thai. Nhưng sinh linh bé bỏng ở tuần thứ 16 đã bỏ chị đi cùng lúc chị phát hiện cao huyết áp, suy thận mãn từ tháng 5/2018.

“Một tuần 3 lần đến bệnh viện lọc máu, trên tay mình chằng chịt những vết tiêm truyền. 7 năm chiến đấu với bệnh tật, nỗi buồn thêm nhân đôi bởi cũng là ngần đó năm trong nhà không có tiếng trẻ bi bô. Mình cứ nghĩ, sẽ không bao giờ có cơ hội làm mẹ nữa”, chị Yến xúc động kể lại.

Thế rồi điều chị không tưởng ấy lại đến khi chị phát hiệu có thai và báo cho bác sĩ điều trị, bày tỏ mong mỏi được nuôi dưỡng sinh linh bé bỏng thành người.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, một bệnh nhân suy thận mãn phải lọc máu định kỳ các độc tố trong máu cao hơn bình thường, sự phát triển của thai nhi rất khó khăn, chưa kể bệnh nhân phải dùng các loại thuốc cao huyết áp, thuốc chống đông… Tại khoa Thận nhân tạo BV Bạch Mai suốt 40 năm hoạt động mới ghi nhận 05 bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai, thế nhưng có đến 4 trường hợp sảy thai, phải đình chỉ thai nghén. Chỉ duy nhất 1 trường hợp có thai 30 tuần phát hiện suy thận, lọc máu 2 tuần/tuần và bệnh nhân sinh con thành công.

Nhưng với bệnh nhân Yến, quá trình giữ thai sẽ là cả hành trình dài hơn thế. Sau khi cân nhắc kỹ, cập nhật các kiến thức y khoa mới nhất trên thế giới, cuối cùng, các bác sĩ đã quyết tâm cao sẽ giữ thai cho người mẹ trẻ.

Ngay lập tức, chị Yến được thay đổi phác đồ điều trị. Thay vì lọc máu 3 ngày/tuần, giờ đây để giữ thai, ngày nào chị Yến cũng phải nhập viện để lọc máu 3 - 4 tiếng/lần. Các loại thuốc cao huyết áp, chống đông, điều trị rối loạn chuyển hóa, dự phòng tiền sản giật… cũng được lựa chọn tốt nhất cho thai phụ.

Hạnh phúc ngập tràn

Khi ở tuần thai thứ 31 bệnh nhân có biểu hiện chuyển dạ và ngày 6/9 em bé đã được ra đời an toàn, nặng 1,5kg nhờ phương pháp sinh mổ. Sau sinh, em bé được chuyển xuống khoa Nhi chăm sóc sơ sinh đẻ non, còn chị Yến ngay lập tức lại trở về với hành trình lọc máu chữa suy thận, lúc này rút xuống còn 3 lần/tuần.


Em bé được mẹ cho bú thêm một cữ trước khi xuất viện trở về nhà.

Em bé được mẹ cho bú thêm một cữ trước khi xuất viện trở về nhà.

“Biết được nguy cơ cho con, thậm chí có thể sảy thai bất cứ lúc nào nên lúc nào mình cũng thấp thỏm, lo âu. Có những lúc, lâu lâu sờ không thấy con đạp, con vận động lại lo cháy ruột chạy đi hỏi bác sĩ. Thật may mắn, các bác sĩ đã rất tận tình chăm sóc, theo dõi chặt cả hai mẹ con. Nhớ lại chuỗi ngày thấp thỏm, lo âu ấy mới thấy quý báu như thế nào khi được ôm con khỏe mạnh trong vòng tay”, chị Yến tâm sự.

Chị cho biết thêm, khi chưa sinh con, 4 tiếng nằm truyền dù có ê ẩm người nhưng không có tâm trạng sốt ruột nên thời gian trôi qua cũng nhanh. Nhưng từ lúc em bé được sinh ra, cũng ngần ấy thời gian mà như 40 tiếng vậy vì chỉ mong chạy xuống thăm con.

Với nỗ lực của các thầy thuốc Khoa Thận Nhân tạo, khoa Phụ - Sản và khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, ngày 14/10 bé Xuân Bảo được xuất viện, trở về nhà trong tình trạng sức khỏe ổn định, nặng 2,1kg là niềm hạnh phúc ngập tràn của vợ chồng chị Yến, gia đình nội ngoại và của chính các bác sĩ.

BS Dũng cho biết, trên thế giới có 52 bệnh nhân thận nhân tạo mang thai, nhưng chỉ có 23 bé ra đời và trên 10/23 bé nuôi được, không có khuyết tật gì về thể chất và phát triển. Còn tại BV Bạch Mai, đây là em bé đầu tiên được sinh ra khỏe mạnh khi người mẹ có thai trong quá trình chạy thận nhân tạo.

PGS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai khẳng định, thành công này sẽ mở ra nhiều hơn nữa cơ hội làm mẹ cho những bệnh nhân suy thận mãn. Đây sẽ không phải là ca cuối cùng mà sẽ có thêm những ca khác, để mang lại tiếng cười con trẻ, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những phụ nữ suy thận mãn.

Hồng Hải