1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hành trình 25 năm "đánh dấu" nền y học Việt trên bản đồ ghép tạng thế giới

(Dân trí) - Lạc hậu hơn so với thế giới khoảng nửa thế kỷ và chậm hơn các nước trong khu vực 20 năm nhưng đến nay, ngành ghép tạng của Việt Nam đã làm chủ kỹ thuật ghép tạng, với tỷ lệ thành công tương đương như các nước. Cùng Dân trí điểm lại dấu ấn ghép tạng trong 25 năm qua.

Mới đây nhất, hôm 21/2, ca ghép phổi đầu tiên lấy từ nguồn cho người sống được thực hiện thành công tại BV Quân y 103 đã cứu bé trai 7 tuổi thoát khỏi nguy cơ tử vong vì căn bệnh giãn phế quản bẩm sinh. Đến nay, sau 1 tuần được ghép phổi, em bé tiến triển tốt, tỉnh táo, các chỉ số sau ghép được kiểm soát.


Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân được ghép tạng.

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân được ghép tạng.

Đánh giá về ca ghép tạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Ca ghép phổi đầu tiên từ người cho sống thành công, Việt Nam đã ghi tên trên bản đồ thế giới trong kỹ thuật ghép phổi, đưa chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam lên một tầm cao mới. Đây là thành tích lớn lao chào mừng 62 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2”, Bộ trưởng Tiến nói.

Ca ghép này được sự hỗ trợ cửa chuyên gia đến từ Nhật Bản và chuyên gia này chắc chắn rằng, ca ghép thứ 2 chắc chắn các bác sĩ Việt Nam sẽ thực hiện thành công bởi ngay từ ca đầu tiên, các bác sĩ Việt Nam đã làm rất tốt.

Để có được thành công này, ngành ghép tạng Việt Nam đã trải qua 25 năm phát triển, trưởng thành. Đến nay, các bác sĩ Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật ghép tạng, với tỉ lệ thành công tương đương các quốc gia tiên tiến.

Dưới đây là những dấu ấn ghi tên Việt Nam vào bản đồ ghép tạng thế giới:

Ngày 2/2/1991, Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo ghép thận quốc gia. Sau khi Ban chỉ đạo được thành lập, Việt Nam đã cử các bác sĩ sang Cuba học về kỹ thuật ghép tạng. Sau đó đến ngày 4/6/1992, ca ghép tạng (ghép thận) đầu tiên được Việt Nam thực hiện thành công tại BV Quân y 103.

Bệnh nhân đầu tiên được ghép thận là một người đàn ông trung niên 40 tuổi được nhận thận từ em trai ruột của mình.

Thành công của ca ghép thận đầu tiên mở ra hy vọng cho hàng trăm bệnh nhân suy thận mãn đang phải sống khắc khoải từng ngày.

Từ thành công ban đầu này, đến năm 2008 đã có 11 bệnh viện trên cả nước thành thạo kỹ thuật ghép thận và đến nay nó trở thành một kỹ thuật thường quy được thực hiện tại nhiều bệnh viện, như BV Quân y 103, BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Xanh Pôn…

31/1/2004, thực hiện ca ghép gan đầu tiên thành công

Tại cái nôi của ghép tạng, BV 103 lần thứ 2 thực hiện ca ghép gan đầu tiên ghi dấu ấn của ngành ghép tạng trên bản đồ thế giới.

Một ca ghép gan được thực hiện tại BV Việt Đức.
Một ca ghép gan được thực hiện tại BV Việt Đức.

Ngày 31/1/2004, hơn 100 bác sĩ bắt tay vào ca ghép gan cứu bé gái 10 tuổi Nguyễn Thị Diệp bị chứng bệnh teo đường mật bẩm sinh đe dọa tính mạng. Nhận gan từ người cha, Diệp đã được các bác sĩ ghép thành công sau 17 tiếng căng thẳng trong phòng mổ.

Lại thêm một cánh cửa cuộc sống mở ra với rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về gan. Họ có thêm hi vọng sống nếu nhận được nguồn gan hiến để ghép.

Sau đó 6 tháng, ngày 2/7/2005, BV Nhi Trung ương thực hiện ca ghép gan thứ 2. Ca ghép này được đánh giá là phức tạp hơn so với ca bệnh đầu tiên bởi có nhiều cái khó với ca bệnh này (xơ gan đã lâu khiến máu phải về tim bằng nhiều tĩnh mạch phụ, vì vậy thời gian cắt gan đã kéo dài hơn so với dự kiến do phải nối nhiều tĩnh mạch; người cho gan có đường mật dị dạng có đến 2 tĩnh mạch (bình thường chỉ 1 tĩnh mạch) vì thế ca phẫu thuật kéo dài nhiều giờ đồng hồ.

Ca ghép gan thứ 2 này đã mở ra một triển vọng mới đối với y học Việt Nam, và đặc biệt là đối với những bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối. Sẽ có thêm nhiều số phận được cứu sống. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công gần 70 ca ghép gan ở người lớn, trẻ em, từ cả nguồn cho gan người sống và người chết não và nhu cầu ghép gan là rất lớn.

17/6/2010 thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên

Đứng trước cuộc sống tính bằng giờ, bằng ngày bởi căn bệnh giãn cơ tim, cuộc sống tươi đẹp bất ngờ đến với bệnh nhân 48 tuổi Bùi Văn Nam khi anh được chọn ghép gan đầu tiên từ một bệnh nhân chết não.

Ca ghép tim đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện 103 thành công đã đánh dấu nền y học Việt Nam trên bản đồ ghép tim thế giới.

1/3/2014 ghép đa tạng thành công trên một bệnh nhân

Ngày 1/3/2014, cá bác sĩ Bệnh viện 103 thực hiện ca ghép thận-tụy đầu tiên cho bệnh nhân Phạm Thái Huyên 43 tuổi bị đái tháo đường, suy thận. Đây cũng là ca ghép đa tạng (hai tạng trên một người bệnh) đầu tiên. Ca ghép diễn ra trong suốt 13 giờ đồng hồ.

Tạng được hiến từ một người chết não vì tai nạn giao thông. Thận và gan của người cho chết não này cũng đồng thời được các kíp mổ ghép cho hai bệnh nhân khác. Hơn 150 y bác sĩ trong 4 phòng mổ cho ca ghép tụy và đa tạng đầu tiên

Chạy đua với thời gian, vượt 1700km mang tim, gan ghép cho người bệnh

Trưa 4/9/2015, Trung tâm điều phối ghép tạng nhận được tin báo từ các bác sĩ BV Chợ Rẫy về trường hợp người cho chết não hiến tạng. Ngay lập tức, một kíp bác sĩ của BV Việt Đức đã lên đường vào TP Hồ Chí Minh, phối hợp cùng các BS BV Chợ Rẫy tiến hành phẫu thuật lấy tạng từ người cho chết não. Khối tim, gan được lấy đã được được bảo quản trong một dung dịch chuyên dụng và ngay lập tức kíp bác sĩ BV Việt Đức ra sân bay Tân Sơn Nhất để vận chuyển “kiện hàng” đặc biệt này về Hà Nội. Trong lúc máy bay đang cất cánh, khâu chuẩn bị cho ca phẫu thuật của bệnh nhân tại BV Việt Đức đã được chuẩn bị sẵn sàng, chỉ cần chờ nguồn tạng về đến BV là thực hiện ghép.

Ca ghép tim từ nguồn tạng hiến xuyên Việt thành công.
Ca ghép tim từ nguồn tạng hiến xuyên Việt thành công.

Hai bệnh nhân đã được lựa chọn để ghép tạng. Đây là một bệnh nhân nam gần 60 tuổi bị suy tim và bệnh nhân nam hơn 40 tuổi bị suy gan đang trong danh sách chờ ghép tạng mới thoát khỏi cửa tử tại BV Việt Đức.

Nguồn tạng từ lúc lấy ra khỏi bệnh nhân chết não tại BV Chợ Rẫy đến khi mang về BV Việt Đức ghép cho bệnh nhân thì thời gian ghép tim là 6,5 tiếng và gan là 7,5 tiếng là kỷ lục về thời gian khoảng cách tạng được lấy khi được ghép vào cơ thể người bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong 25 năm qua, ngành ghép tạng Việt Nam từng bước phát triển với nhiều thành tựu. Thế giới ghi nhận trình độ của BS Việt Nam không thua kém gì trình độ y bác sĩ trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam nguồn tạng hiến còn rất khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hiến tạng từ người cho sống.

Trong khi đó, mỗi năm có hàng nghìn ca tử vong do chết não liên quan đến tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Bộ trưởng mong muốn, kêu gọi nhiều người dân đăng kí tham gia hiến tạng để nếu không may mình mất đi, nguồn tạng hiến sẽ đem đến cuộc sống mới cho hàng nghìn bệnh nhân chờ ghép tạng.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm