1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hàng trăm người thoát “ải tử” nhờ máu hiến từ... blouse trắng

(Dân trí) - Ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh (bệnh viện), tỉnh Khánh Hòa có một “đội quân” không chỉ tận tâm phục vụ người bệnh mà còn thường xuyên hiến máu của chính mình khi bệnh nhân đang nguy kịch.

Việc làm đầy tính nhân văn, nhân đạo này là của chính các y, bác sĩ trong “Đội hiến máu tình nguyện khẩn cấp” của bệnh viện.

Khi bác sỹ hiến máu cứu bệnh nhân

Đều đặn trong suốt nhiều năm qua, mỗi khi nghe thấy tiếng còi hú của chiếc xe cấp cứu đưa bệnh nhân vào nhập viện là cả “đội quân” khoác áo blouse trắng của bệnh viện lại sẵn sàng cứu chữa và hiến máu.

Mới đây nhất, bệnh viện đã cứu sống một sản phụ có tiền sử bệnh rất hy hữu: cả 2 lần sinh mổ đều không cứu được con vì thai nhi bị bệnh tim bẩm sinh. Lần sinh này, sản phụ được các bác sĩ mổ lấy thai nhi ra ngoài an toàn. Tuy nhiên, bánh nhau bị cài răng lược, xuyên cơ tử cung và đâm thẳng vào dây chằng rộng, gây chảy máu dữ dội, khiến sản phụ bị choáng ngay trên bàn mổ do mất máu quá nhiều.

“Sản phụ này có nhóm máu AB, một nhóm máu rất hiếm nên bệnh viện đã huy động đội ngũ các y, bác sĩ có nhóm máu AB trong “Đội hiến máu tình nguyện khẩn cấp”. Trong và sau mổ, sản phụ đã được truyền 7 đơn vị máu của chính các y, bác sĩ của bệnh viện”, bác sĩ Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, kể lại.

Một sản phụ mất máu nhưng là máu AB cực hiếm nên được đội hiến máu tình nguyện Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh hiến máu cứu sống
Một sản phụ mất máu nhưng là máu AB cực hiếm nên được đội hiến máu tình nguyện Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh hiến máu cứu sống

Không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần các y, bác sĩ của bệnh viện hiến máu của chính mình để cứu chính bệnh nhân do mình đang cấp cứu khẩn cấp. Chỉ biết rằng, đã có hàng trăm người bệnh giành lại được sự sống nhờ có lượng máu tươi kịp thời, đầy đủ và an toàn từ ngân hàng máu sống của “đội quân” khoác áo blouse trắng này.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trưởng Khoa phẫu thuật, gây mê hồi sức của bệnh viện, người đã hàng chục lần hiến máu khẩn cấp để cứu bệnh nhân, quan niệm: Những ai đã khoác trên mình chiếc áo blouse trắng đều hiểu, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đang ở ranh giới giữa sự sống và chết. Nếu thiếu máu hoặc truyền máu không kịp thời, điều đó có nghĩa sẽ tước đi một phần sự sống của người bệnh.

Bác sĩ Thái tâm sự: “Chúng tôi muốn nhắn nhủ với những người bệnh cần máu khẩn cấp rằng “khi cần là có, khi muốn là được”. Bản thân tôi cũng như các y, bác sĩ khác của bệnh viện luôn sẵn sàng hiến máu bất kể thời gian sớm, tối hay đêm khuya. Thậm chí có lần, bệnh nhân bị bệnh quá nặng phải chuyển viện vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng đi theo để hiến máu cứu họ. Còn vào những ngày nghỉ, lễ tết mà bệnh nhân cần máu khẩn cấp thì y, bác sĩ nào ở gần bệnh viện nhất sẽ đến trước, ở xa hơn thì lần lượt đến sau để hiến máu cho kịp thời, đầy đủ”.

Sau những giờ phút giúp người bệnh giành lại sự sống bằng chuyên môn và cả máu của chính mình, các y, bác sĩ lại thầm lặng trở về với công việc thường ngày.

“Cho đi những giọt máu để đem lại sự sống cho người bệnh”

Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh nằm ở xa Trung tâm Huyết học của tỉnh Khánh Hòa đến trên 60km nên khi cần máu khẩn cấp để cấp cứu bệnh nhân trong tình trạng tính mạng nguy kịch thì rất khó để vận chuyển máu đến kịp thời.

Mặt khác, bệnh viện lại nằm ven các tuyến đường huyết mạch nên thường tiếp nhận nhiều người không may bị tai nạn giao thông, trong đó nhiều trường hợp cần máu tươi khẩn cấp. Từ thực tế như vậy, lãnh đạo bệnh viện đã có sáng kiến thành lập “Đội hiến máu tình nguyện khẩn cấp” nhằm có máu kịp thời để cứu chữa bệnh nhân và "đội quân" này không chỉ thu hút các y, bác sĩ còn ở tuổi thanh niên tham gia, mà còn cả lãnh đạo bệnh viện, khoa, phòng đến những đồng nghiệp đã cao tuổi... góp phần quyết định cứu sống người nhân tính mạng nguy kịch.

Một ca phẫu phuật cứu sống bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh, Khánh Hòa
Một ca phẫu phuật cứu sống bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cam Ranh, Khánh Hòa

Bác sĩ Lê Quang Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, chia sẻ, chính việc các y, bác sĩ lấy máu của mình truyền cho bệnh nhân là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần cứu sống rất nhiều người bị bệnh nặng. Nhất là trong những trường hợp, bệnh nhân bị rối loạn đông máu, khi đó nguồn máu dữ trữ không có tác dụng, chỉ có máu tươi trực tiếp, kịp thời mới có giá trị cứu bệnh nhân.

Có được một việc làm đầy ý nghĩa, hiệu quả và nhân đạo như vậy là bởi những thành viên trong “Đội hiến máu tình nguyện khẩn cấp” đều là những người cần mẫn, tận tâm và có sức khỏe tốt. Để có chất lượng máu được tốt và kịp thời nhất, tất cả y, bác trong đội luôn tuân thủ khám sàng lọc 3 tháng một lần, công khai nhóm máu, địa chỉ nhà riêng, nơi làm việc… để khi người bệnh cần là đến cho máu ngay lập tức.

Theo anh Nguyễn Công Toàn, Đội trưởng “Đội hiến máu tình nguyện khẩn cấp”, các y, bác sĩ ở đây đều tình nguyện hiến máu vô điều kiện và luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng hiến máu vào bất kể thời điểm nào. "Nhìn thấy bệnh nhân được cứu sống, sức khỏe hồi phục và trở về với cuộc sống bình thường là điều chúng tôi thấy vui sướng nhất, bởi những giọt máu của mình cho đi đã đem lại sự sống cho người bệnh", BS Toàn chia sẻ.

Trường Sa - Viết Hảo