Quảng Nam:
Hàng ngàn trẻ em dưới 6 tuổi không được KCBMP
(Dân trí) - Kể từ đầu năm tới nay, phân nửa trong số gần 300 trẻ em chào đời tại huyện Bắc Trà My chưa có giấy khai sinh, nâng tổng số trẻ tại huyện này chưa có giấy khai sinh lên 950 trường hợp. Tức là các em không được khám chữa bệnh miễn phí dù thuộc vùng đặc biệt khó khăn và con số chưa dừng ở đó.
Theo ông Nguyễn Tri Hùng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam: “Không chỉ riêng huyện Bắc Trà My, mà nhiều huyện miền núi, huyện vùng sâu, vùng xa, trẻ em đều chịu thiệt thòi nếu không có giấy khai sinh, với các em thuộc vùng đặc biệt khó khăn và các em ngoài diện này phải có thẻ khám chữa bệnh miễn phí mới được miễn các khoản viện phí.
Trong thực tế, nếu các em chỉ bị các bệnh nhẹ thông thường như sổ mũi, nhức đầu thì các trạm y tế tại địa phương vẫn có thuốc cấp miễn phí nhưng nếu bị bệnh nặng, cần đến thuốc đặc trị thì không được miễn phí”.
Tại các xã nghèo nhưng không thuộc diện khó khăn, có hơn 1.300 trong số 4.000 trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ khám chữa bệnh miễn phí. Viện phí làm người dân e ngại khi đưa con đến bệnh viện.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, trong năm vừa qua, có 10 xã thuộc các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đủ điều kiện rút khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên đời sống của bà con nơi đây vẫn còn rất nghèo, thậm chí, một số nơi, bà con dân tộc thiểu số vẫn sống theo kiểu tự cung tự cấp, không buôn bán nên khi con bệnh thì không có tiền để thanh toán viện phí.
Để giúp bà con, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số tại các xã đang trong giai đoạn chuyển tiếp, thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn này, UBND tỉnh đã đề xuất đề án:
- Nâng cao vai trò của hệ thống chính trị từ cấp cơ sở.
- Phối hợp các ngành liên quan, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ, nâng cao ý thức chăm sóc sức khoẻ bản thân và vận động.
- Tạo điều kiện để bà con làm thẻ khám bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, tránh tình trạng “thả trôi” vùng đang chuyển tiếp nói riêng và các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa trong địa bàn tỉnh nói chung.
Khánh Hiền