Hàng loạt tai nạn thương tâm khi trẻ nghỉ học tránh dịch Covid
(Dân trí) - Trẻ nghỉ học dài ngày để tránh dịch Covid-19 nhưng lại đang đối mặt với những tai nạn nguy hiểm thường ngày. Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần tăng cường biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ.
Liên tiếp những cái chết thương tâm vì đuối nước
Chỉ trong thời gian từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, nhiều cái chết thương tâm vì tai nạn đuối nước đã xảy ra ở nhóm tuổi học sinh. Điều đặc biệt lưu ý là các cháu gặp tai nạn đuối nước khi đang trong thời gian nghỉ học ở nhà để tránh dịch Covid-19. Nỗi đau đến từ sự chủ quan của người lớn và việc trẻ chưa ý thức được hết những nguy hiểm có thể xảy đến với bản thân mình.
Vụ đầu tiên xảy ra tại phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, hai cháu bé Thanh T. (12 tuổi) và Triệu V. (13 tuổi, là chị em họ, ngụ tại Cà Mau, sinh sống ở Bình Dương) có cha mẹ đều làm công nhân. Ngày 7/2, các bé đang trong thời gian nghỉ học để tránh dịch Covid-19, khi cha mẹ đi làm, 2 bé rủ nhau ra hồ nước gần nhà chơi thì không may 1 bé bị trượt chân té xuống, bé còn lại cố gắng cứu nhưng cả hai đều bị chìm dưới hồ. Khi những trẻ chơi cùng chạy về khu trọ báo người lớn ra ứng cứu thì mọi chuyện đã muộn.
Vụ thứ hai xảy ra vào ngày 12/2 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Chiều cùng ngày, 3 bé Thanh T. cùng Quốc H. (đều 9 tuổi) và Trần Thị U. (10 tuổi) rủ nhau ra khu vực hồ nước ở trong khu phố tắm. Trong lúc tắm thì Thanh T. và Quốc H. bị trượt chân ra vùng nước sâu chới với, bé Trần Thị U. đã lên bờ hô hoán mọi người đến cứu. Tuy nhiên, khi được đưa lên bờ thì các bé đã tử vong.
Chỉ một ngày sau, một vụ tương tự xảy đến với 2 anh em ruột là bé Đình K. (8 tuổi) và bé Đình H. (5 tuổi, ngụ tại Kon Tum). Khi bé lớn đang học lớp 2 và bé nhỏ học lớp mầm đều phải nghỉ học, để có thời gian đi làm, người mẹ đã gửi 2 con về nhà ngoại nhờ ông bà chăm sóc. Tuy nhiên, khi người bà đang bận làm bếp thì anh em bé Đình K. rủ nhau ra bờ ao sau nhà chơi, sảy chân xuống ao, tử vong. Mới đây nhất là ngày 20/1 lại có thêm 2 trẻ khác là K.H. (8 tuổi) và K.T. (7 tuổi) bị đuối nước tại Lâm Đồng khi theo cha mẹ đi tưới cà phê trong những ngày nghỉ học.
Nhiều trẻ nuốt dị vật nguy hiểm
Tại các bệnh viện nhi, những tình huống tai nạn trong sinh hoạt ở trẻ cũng đang gia tăng, trong đó nuốt dị vật là tình huống nguy hiểm thường gặp. Ngày 21/2, thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, tại đây vừa tiếp nhận điều trị bé T.Đ.K. (3 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu). Bé được nhập khoa Cấp cứu trong tình trạng chướng bụng kèm ói suốt 9 ngày.
Qua thăm khám và thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện trong bụng em bé có các vật thể cản quang xếp thành hàng ngang. Bé được tiến hành phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật. Trong lúc mổ các bác sĩ ghi nhận có 6 thỏi nam châm cùng 3 kim bấm, phần hồi tràng (đoạn ruột non) bị thủng do kim bấm, phải cắt bỏ 20 cm ruột.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cũng liên tiếp phải thực hiện can thiệp cấp cứu cho bệnh nhi hóc dị vật. Ngày 21/2 tại đây tiếp nhận 2 bệnh nhi được gia đình chuyển đến trong tình trạng hoảng loạn. Trường hợp vào viện đầu tiên là bé gái L.T.P. (9 tuổi quê Sóc Trăng) được cha mẹ đưa lên Bình Chánh, TPHCM chơi trong khi được nghỉ học. Trong lúc chơi đùa, bé cầm chiếc chìa khóa rồi nuốt vào bụng, các bác sĩ phải nội soi để gắp dị vật từ dạ dày ra ngoài.
Trường hợp thứ hai là bé trai 2 tuổi, ngụ tại Bình Chánh. Trong lúc cha mẹ không để mắt, bé nằm chơi dưới nền nhà, nhặt được chiếc đinh vít đã đưa vào miệng rồi bị hóc. BS Lê Đức Lộc khoa Tiêu Hóa cho biết, trên hình ảnh kiểm tra thì phát hiện dị vật nhưng việc nội soi gặp rất nhiều khó khăn. Cây đinh lẫn trong dịch vị và đàm nhớt trở nên trơn tuột, khi đưa ống vào soi thi phát hiện đinh đã trôi xuống đoạn tá tràng, nguy cơ chiều dài của ống nội soi khó với tới. Các bác sĩ đã mất hơn 20 phút mới gắp được dị vật trong mớ hỗn độn của dịch vị và thức ăn đang trong quá trình tiêu hóa, tránh cho bé một cuộc mổ hở, mở ruột tìm dị vật.
Từ những tai nạn thương tâm trên, bác sĩ khuyến cáo, hiện nay cả nước đang cho trẻ nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19. Trẻ nghỉ học nhưng cha mẹ và người lớn vẫn đi làm bình thường nên trẻ thường thiếu sự giám sát, chăm sóc thường xuyên. Trẻ em thường rất thích khám phá thế giới xung quanh và tò mò tìm hiểu chính cơ thể mình, nhưng các bé thường chưa ý thức được những tình huống tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra, điều này dẫn tới những hậu quả khôn lường. Để tránh tai nạn hóc dị vật phụ huynh không nên cho trẻ ngậm đồ chơi trong miệng, tập thói quen không ngậm đồ chơi, đồ ăn cho trẻ; cần tập bơi sớm cho trẻ để tránh nguy cơ đuối nước.
Vân Sơn