Hãi hùng công nghệ “ép” mít chín bằng hóa chất
Muốn mít nhanh chín, múi vàng, thơm ngon không bị đắng…chỉ cần “bơm” trực tiếp hóa chất vào trong trái. Ngày hôm sau, mít non, vỏ cứng, chưa có mùi thơm đồng loạt thành mít chín “hảo hạng”.
“Mục sở thị” cơ sở chế biến mít
Theo chân dân buôn mít từ TPHCM về hai huyện Chơn Thành và Hớn Quản của tỉnh Bình Phước để tìm hiểu kỹ thuật làm mít, phóng viên Chất lượng Việt Nam đến cơ sở chế biến mít nằm trên Quốc lộ 13, gần khu công nghiệp Minh Hưng, Chơn Thành. Cơ sở của ông Nghĩa hoạt động sôi động suốt ngày đêm và luôn có hàng chục công nhân làm việc là ngôi nhà nhỏ nằm ven đường, phía trước và bên hông nhà thường xuyên chất đầy mít. Mọi công đoạn chế biến mít đều làm theo phương pháp thủ công tại không gian ẩm thấp, chật hẹp, hôi hám.
Cận cảnh nơi chế biến mít, ruồi nhặng bu đầy, đồ đạc vứt bừa bãi dưới đất.
Phương pháp làm cho mít chín rất khác người, kiểu làm truyền thống như: đóng cọc (Còn gọi là đóng nõ), phơi nắng, bôi vôi đầu cuống…không được áp dụng.
Thay vào đó là kỹ nghệ “tiêm chích” hóa chất để “biến” mít non thành mít chín. Công nghệ này được dân mít ưu tiên hàng đầu.
Việc “khai tử” mít được tiến hành ngay trên nền đất xám xịt có nhiều cát, bụi. Phế phẩm của mít để lâu ngày thối rữa bốc mùi nồng nặc, ruồi, muỗi, nhặng bay vi vu, nhựa mít bám đầy mặt đất tạo thành những mảng đen kịt… mất vệ sinh.
Công nhân không có bảo hộ lao động, thường xuyên tiếp xúc với tạp bẩn. Vô hình trung tay họ “liếm” hết bụi bẩn theo nhựa bám vào đám múi thành phẩm. Do phải tiếp xúc nhiều với mít tẩm hóa chất, tay của công nhân, người nào người nấy đều sần sùi, mẩn ngứa, lở loét nhìn rất khó coi.
Phế phẩm từ mít như: hạt, xơ, vỏ ném bừa bãi, thối rữa…trở thành bãi đáp “lý tưởng” cho ruồi, muỗi, nhặng. Rổ đựng mít lâu ngày không được “tắm”, ngả màu đen ngòm, hoen ố; quanh vành rổ, nhựa mít, ruồi- nhặng bu đầy.
Chỉ một liều hóa chất, mít non cũng phải chín trong 24 giờ
Dao dùng để bổ và lột mít “lâu lâu mới chùi rửa một lần”; nhựa mít, tạp bẩn đen quện bám trên lưỡi và thân dao đặc kịt. Lúc rảnh, công nhân lấy dầu ăn rửa dao thì trong đám dầu ăn ấy cũng đầy bụi bẩn và côn trùng đã chết…thật hãi hùng.
Kiểu chế biến như thế này, chúng tôi bắt gặp hầu hết ở những cơ sở chế biến mít tại Bình Phước.
Đối với một cơ sở chế biến thực phẩm, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu, nhưng chỗ này và nhiều cơ sở khác thì chẳng có chút vệ sinh và an toàn nào cả.
Mít non+hóa chất = mít chín
Bằng cách “phù phép” mít chín nhanh, mỗi ngày các chủ vựa tại hai huyện này cho ra lò hàng chục tấn mít đã được tẩm hóa chất.
Điều lạ, mặc dù công nhân ngày đêm “mần thịt” nhưng không tài nào“nuốt” trôi số mít trong vựa. Hôm nay đang chẻ số mít này, nhà chủ đã “nạp” hóa chất để ngày mai số khác chín rồi làm tiếp.
Hoạt động chế biến mít diễn ra quanh năm ngày tháng: “Ở đây toàn “bơm” hóa chất cho mít mau chín thôi!. Đố anh đến đây mà chẻ hết được mít chín!?. Đám mít này chẻ xong lại có đám khác chín. Khi nào mít trên cây hết trái thì mới hết việc…”, một công nhân trong vựa cho biết.
Lúc đầu, chúng tôi cứ tưởng công nhân nói chỉ là lời đùa cợt, nhưng sau những ngày học việc và “mục sở thị” kỹ nghệ làm mít thì thấy lạnh người bởi lời nói trên hoàn toàn là sự thật.
Tiêm hóa chất là khâu quan trọng của quá trình 'chế biến' mít
Chúng tôi được anh Tứ hướng dẫn rất tỷ mỉ về nghề mít. Theo anh Tứ trong các công đoạn làm mít thì khâu “nạp” hóa chất là quan trọng nhất bởi cho mít “ăn” hóa chất quyết định đến tiến độ, chất lượng, lợi nhuận của nghề lột mít.
“Muốn làm có lời thì phải dùng hóa chất để mít chín nhanh hơn, múi đẹp, ngon. Mít chín nhanh thì tiết kiệm được thời gian và công sức, đương nhiên sẽ tạo ra nhiều thành phẩm, lợi nhuận càng cao”, anh Tứ giải thích.
Anh Tứ giảng giải thêm: “Chẳng hạn, hiện nay trên thị trường thương lái thu mua với giá 19 ngàn đồng/1 ký múi thành phẩm thì cháu tính toán làm sao trừ hết chi phí từ khâu mua mít trái, thuê công nhân, tiêm hóa chất, bóc… mỗi ký mít thành phẩm phải thấp hơn giá thu mua của thương lái thì mới có lời”.
Lời nhiều hay ít là phụ thuộc vào quy mô của xưởng. Xưởng càng lớn, nhiều mít, nhiều công nhân thì lợi nhuận cao. Vì vậy để có đủ số lượng mít chín nhiều cùng lúc phải “nạp” hóa chất để mít mau chín.
Hóa chất “nặng đô” 24 giờ là chín
Theo giải thích của ông Nghĩa không phải loại thuốc nào “chích” vào cũng làm cho mít chín nhanh, đẹp, không bị sượng. “Mới đầu, tôi mua thuốc ngoài chợ thì bị các chủ thu mua chê là sản phẩm không đẹp, chất lượng kém, có vị đắng, trái chín sượng không có lời. Được người bạn giới thiệu mua loại thuốc “lạ” về làm thì không bị lỗ vốn”.
Để chúng tôi thấy rõ hơn công đoạn trên, ông Nghĩa lấy kim tiêm và một bình thuốc rồi thực hiện các thao tác “hô biến” cho mít. “Hóa chất càng “nặng đô” thì mít càng nhanh chín, màu sắc của nó sẽ đẹp hơn. Thuốc khác phải vài ngày mới chín, nhưng loại này, chúng tôi bơm vào chưa đầy 24 giờ sau là nó chín”. Ông Nghĩa quả quyết.
Sau khi tiêm, mít non, mít già đều chín như nhau
Nói xong, ông Nghĩa đi vào nhà lấy ra bịch thuốc để tư vấn. Bịch thuốc có bao bì màu xanh, trên mặt ghi chằng chịt chữ Trung Quốc và hình ảnh các loại trái cây.
Bên trong bao bì gồm hai bịch màu trắng không có chữ, mỗi bịch chứa 10 lọ thuốc bé như ngón tay út, trên miệng lọ có màu đỏ. Thuốc này được ông Nghĩa bọc cẩn thận và giấu rất kín bên trong ngôi nhà mình ở.
Ông Nghĩa nói: “Mỗi bịch này cháu pha với loãng với 10 lít nước. Thuốc này không độc hại gì hết chỉ làm cho trái nó nóng lên … chín thôi “!?”. Ở đâu người ta cũng dùng mà! Nên chú cũng sử dụng”.
Ông Nghĩa khẳng định loại thuốc này “không độc hại” nhưng khi tôi hỏi “Ngoài chợ có bán không?”
Ông Nghĩa trả lời bí hiểm: “Hừ! Đâu có, thuốc này chú phải lấy ở bên Trung Quốc. Loại này là nguyên chất phải pha với nước mới dùng được. Mỗi bịch có 100 ngàn thôi à, chích được vài tấn mít ”.
Theo Khuê Tảo
Chất lượng Việt Nam