1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nam Định:

Hãi hùng cảnh bé trai 2 tuổi bị kéo đâm sâu vào tai

Khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng TƯ vừa cấp cứu cho một bé trai 2 tuổi ở Nam Định bị kéo đâm sâu vào tai phải xuyên thấu xương thái dương.


Chiếc kéo đâm sâu vào tai bé. Ảnh BVCC

Chiếc kéo đâm sâu vào tai bé. Ảnh BVCC

ThS.BS Trần Hữu Thắng, Phụ trách Khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, ngày 20/6, bé được chuyển từ BVĐK tỉnh Nam Định trong tình trạng tai phải bị chiếc kéo đâm vào, chảy máu ít ở vùng cửa tai.

Kết quả phim chụp X-quang cho thấy hình ảnh dị vật là mũi kéo đâm sâu vào vùng xương chũm khoảng hơn 3cm. May mắn cháu không có tổn thương ở dây thần kinh số 7 và mê nhĩ. Ngay sau đó, các bác sỹ đã nhanh chóng quyết định gây mê nội khí quản rút dị vật ra.

Theo mẹ bệnh nhi kể lại, buổi chiều khi đang làm việc nhà, con trai ngồi chơi ở phòng khách và không biết cầm kéo từ khi nào. Thấy bọn trẻ gọi thất thanh, chị vội chạy vào thì đã thấy cháu bị chiếc kéo hoen gỉ đâm sâu vào tai khiến cháu khóc thét.

Ngay sau đó, gia đình chuyển cháu vào BVĐK tỉnh Nam Định và được chuyển thẳng lên BV Tai Mũi Họng TƯ điều trị.

Hãi hùng cảnh bé trai 2 tuổi bị kéo đâm sâu vào tai - 2

hình ảnh dị vật qua chụp X - quang. Ảnh BVCC

Theo BS Thắng, rất may trong trường hợp này là bệnh nhi chỉ bị tổn thương phần ống tai ngoài – phần sụn và một phần xương ống tai ngoài, chưa gây các tổn thương về mạch máu và dây thần kinh vùng xương thái dương. Mũi kéo to lại đâm chéo nên toàn bộ phần tai giữa, tai trong, màng nhĩ bệnh nhi vẫn còn, không ảnh hưởng đến thính lực.

Ngay sau khi xử lý vết thương, bé cũng đã được tiêm thuốc chống uốn ván vì chiếc kéo đã hoen gỉ gây nguy cơ uốn ván rất cao. Hiện sức khỏe của cháu đã ổn định, tỉnh táo, chơi ngoan, vết thương không còn chảy máu. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi để phòng trường hợp sẹo hẹp ống tai.

Thời điểm hè tai nạn thương tích thường gặp nhiều hơn, trong đó không ít trường hợp đáng tiếc đã xảy ra vì không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Các tai nạn thương tích hay gặp phải là đuối nước, té ngã, hóc dị vật, tai nạn bởi các vật sắc nhọn, đồ chơi... Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi trông nom trẻ. Đặc biệt tránh cho trẻ chơi những đồ vật có kích thước nhỏ, sắc nhọn như các loại đũa, kéo hay những loại pin nhỏ như pin, cúc áo, vì có thể gây tai nạn cho trẻ.

Ngoài ra, ngay khi bị các vật nhọn đâm vào người cần phải tiến hành sơ cứu vết thương đúng cách để tránh cho vi khuẩn có cơ hội xâm nhập. Một số việc cần làm trong trường hợp giẫm hoặc bị vật nhọn đâm:

- Không nên cố rút vật nhọn ra nếu nó đã cắm sâu vào cơ thể, điều này có thể khiến vết thương trầm trọng hơn và dẫn tới chảy máu.

- Dùng một miếng gạc hoàn toàn vô trùng bọc xung quanh vật nhọn (vật nhọn dài, cắm sâu)

- Đặt các tấm lót chèn xung quanh vật nhọn để nó khỏi di động.

- Hạn chế tối đa việc vận động mạnh.

- Đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để được sơ cứu kịp thời…

Theo Hà My

Gia đình & Xã hội