1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hai ca bệnh hi hữu chưa từng gặp: Bị uốn ván vì gà mổ, lợn đạp gây xước da

(Dân trí) - Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại khoa đang điều trị hai ca bệnh rất hi hữu, bị uốn ván vì gà mổ và lợn đạp gây xước da. Bình thường, uốn ván là căn bệnh do tai nạn, lao động hoặc giẫm phải đinh, cành cây mục…

Nguy kịch từ vết gà mổ, xước da

Bệnh nhân bị uốn ván từ vết thương do gà mổ là ông N.V.M (48 tuổi ở Hải Dương), Theo gia đình, khi vào chuồng gà, ông M. bị gà mổ vào đầu gối, có vết thương rất nhỏ nhưng sau vài ngày là tự liền.

Tuy nhiên, 1 tuần sau ông M. bỗng xuất hiện cứng hàm tăng dần, không thể mở hàm nên đi khám tại BV tỉnh Hải Dương.

Chi phí điều trị trung bình một ca uốn ván hết cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, để phòng căn bệnh này sau khi bị chấn thương nên đi tiêm phòng, với chi phí chỉ khoảng 100 ngàn đồng.
Chi phí điều trị trung bình một ca uốn ván hết cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, để phòng căn bệnh này sau khi bị chấn thương nên đi tiêm phòng, với chi phí chỉ khoảng 100 ngàn đồng.

Tại đây, bệnh nhân ngoài cứng hàm còn xuất hiện nhiều cơn giật, co cứng toàn thân, được chẩn đoán uốn ván và chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới Trung ương hôm 28/9.

BS Cấp cho biết, bệnh nhân có những dấu hiệu điển hình của uốn ván, co giật, co cứng toàn thân và phải mở khí quản, thở máy và hồi sức tích cực.

Bệnh nhân còn lại là ông L.V.N. (47 tuổi ở Bắc Ninh) cũng bị uốn ván sau tình huống rất hi hữu, Khi vào chuồng chăm lợn, bị đàn lợn chạy giẫm vào chân gây xước da.

Dù là vết xước da nhỏ nhưng ông N. bị nhiễm trùng sưng nề, chảy mủ vài ngày rồi tự lành sẹo. “Cứ nghĩ vậy là khỏi, không có vấn đề gì. Nhưng sau 10 ngày ông xuất hiện cứng hàm, tiến triển tăng dần, co cứng toàn thân, co giật”, người nhà ông N. cho biết.

Bệnh nhân được chuyển từ BV tỉnh Bắc Ninh đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 2/10 trong tình trạng co cứng, co giật toàn thân, phải mổ mở khí quản thở máy, dùng thuốc chống co giật liều cao. Hiện 2 bệnh nhân này đang được theo dõi, điều trị tích cực tại bệnh viện.

Theo BS Cấp, hai ca uốn ván này khá là hy hữu bởi đa số bệnh nhân uốn ván điều trị tại viện đều do bị các chấn thương tai nạn, lao động hoặc giẫm phải đinh, cành cây củi mục, chưa từng gặp ca bệnh uốn ván do gà mổ, do vết xước lợn chạy đạp vào chân gây ra.

Nha bào uốn ván có trong phân súc vật

BS Cấp cũng cảnh báo thêm, uốn ván là căn bệnh do những vết thương ngày thường gây ra, rất dễ bị chủ quan, bỏ qua và có những ca uốn ván nguy kịch vì sự chủ quan đó. Người bệnh co cứng toàn thân, giật đùng đùng, thở máy…

Vi khuẩn uốn ván có sức sống rất mãnh liệt, từ đun sôi đến phơi nắng đều không chết. Khi xâm nhập vào vết thương, đặc biệt vết thương dập nát nhiều, môi trường thiếu ô xy (kị khí) thì nha bào uốn ván thoát vỏ phát triển thành vi khuẩn uốn ván, nhân lên tiết ra các độc tố mà không hề gây sưng nề. Đó là lý do “Vết thương có thể khô, đóng kín miệng nhưng độc tố vẫn phát triển và gây bệnh”, BS Cấp cảnh báo.

Vì thế, khi bị những tổn thương dù nhỏ như bong dập móng chân do vấp ngã, do ngã sát tay, chân, do rơi vật nặng vào chân… dù vết thương không nặng nề, nhưng người bệnh phải xử lý vết thương bằng cách giải phóng hết dị vật trong vết thương, cắt lọc hết phần dập nát, rửa sạch bằng dung dịch sát trùng. Nếu vết thương có nguy cơ nhiễm trùng phải dùng kháng sinh.

BS Cấp dẫn chứng có ca bệnh chỉ đơn giản đi đá bóng, vấp khi chạy khiến móng chân trái có hơi bật lên, dù đã rửa vết thương, tiêm huyết thanh uốn ván nhưng sau 10 ngày biểu hiện bệnh.

Nguyên nhân là bệnh nhân mới tiêm phòng huyết thanh kháng uốn ván (tức là kháng thể có sẵn, bảo vệ được trong vòng 7 ngày, nếu vi trùng uốn ván có xâm nhập thì sẽ có tác dụng bảo vệ) mà không tiêm vắc xin phòng bệnh. Khi hết thời gian bảo vệ của huyết thanh, bệnh nhân bị vi khuẩn tấn công và gây bệnh.

"Nguy cơ bị uốn ván khi bị chấn thương là khá cao, do vi khuẩn nha bào uốn ván có nhan nhản ở mọi nơi, từ đất, cát, môi trường có nhiều phân súc vật. Vì thế, bất cứ ai bị vết thương đều có nguy cơ xâm nhập nhưng chỉ gây bệnh khi có vết thương dập nát, có môi trường kị khí. Để phòng bệnh, hãy tiêm huyết thanh và vắc xin phòng bệnh. Vì sau tiêm vắc-xin khoảng 1 tuần cơ thể mới sinh ra miễn dịch chủ động, tiếp tục bảo vệ cơ thể thay cho hiệu quả của huyết thanh cũng vừa hết.", BS Cấp khuyến cáo.

"Mọi người không nên e ngại, trì hoãn việc tiêm phòng. Bởi một mũi tiêm huyết thanh, một mũi vắc xin uốn ván chi phí chỉ khoảng 100 ngàn đồng, nhưng phòng được nguy cơ bị uốn ván. Khi đã bị uốn ván, chi phí trung bình điều trị cho một bệnh nhân nhiễm trùng uốn ván khoảng 100 triệu/bệnh nhân, rất tốn kém và nguy hiểm", BS Cấp cho biết.

Hồng Hải