1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hai bệnh nhân sốc, hôn mê vì say nắng

(Dân trí) - Những ngày thời tiết nắng nóng khắc nghiệt của Hà Nội không chỉ làm trẻ em, người già đổ bệnh mà ngay cả những thanh niên đang độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” cũng “gục” vì say nắng, có trường hợp xuất huyết màng não vì nắng nóng.

Thanh niên cũng “gục” vì say nắng

Đến hôm nay, anh Quý “chè” - quay phim của Truyền hình TTX vẫn sợ cảm giác choáng váng khi tác nghiệp quay tại bệnh viện Bay Orbis tại sân bay Nội Bài cách đây 6 hôm. Đang đứng ngoài nắng để quay toàn cảnh bệnh viện Bay thì anh bỗng choáng váng, cố định vội máy quay rồi ngồi sụp xuống ôm đầu.

“Có lẽ mình vừa từ máy lạnh ô tô đi xuống sân bay, rồi lại vào BV Bay mát lạnh chưa đầy 3 phút lại bước ngay ra cái nắng hầm hập ngoài trời để đứng quay phim trưa nên bị vậy. Mình cũng không hiểu đó chỉ đơn giản là choáng hay say nắng nữa”, anh Quý cho biêt.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), biểu hiện của thanh niên trên cũng là một trong những dấu hiệu của người say nắng, nhưng ở mức độ nhẹ nên chỉ cần vào chỗ mát, nghỉ ngơi, uống nước đầy đủ là cơ thể sẽ trở lại bình thường.

Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã từng tiếp nhận bệnh nhân xuất huyết màng não vì nắng nóng. Bệnh nhân sau nhiều giờ lao động dưới nắng to, bị lên cơn sốt, nôn, buồn nôn và kết quả chọ dịch não tủy thấy nhiều máu. Bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết màng não vì nắng nóng.

Mới đây, khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhân nam 47 tuổi được chuyển ra từ BV Đa khoa tỉnh Ninh Bình.Khoảng 2 tuần nay, bệnh nhân cùng đồng nghiệp đi gặt lúa thuê (máy gặt) tại Ninh Bình, mỗi ngày nhóm gặt phơi người dưới cái nắng gắt khoảng 4 - 6 giờ (nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới hơn 390C). 

Khoảng 15 giờ ngày 30/05/2015 (lúc nắng gắt nhất), khi đang đứng đóng gói bao thóc ngoài đồng, bệnh nhân đột ngột rối loạn tâm thần, nói nhảm, sau đó vài chục phút thì hôn mê. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình cấp cứu trong tình trạng sốt cao, đỏ da toàn thân, hôn mê sâu. Sau khi được xử trí cấp cứu: đặt ống nội khí quản bảo vệ đường thở, thông khí nhân tạo, chườm mát toàn thân, dùng thuốc hạ nhiệt độ và truyền dịch.

 Sau đó bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não nhưng không thấy tổn thương, chưa chọc dịch não tủy. Sau 12 giờ cấp cứu, tình trạng toàn thân ổn định nhưng ý thức không cải thiện, bệnh nhân được chuyển lên khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị biến chứng tổn thương não do say nắng.

Trước đó tại Hà Nội, khoảng 11 giờ trưa ngày 30/05/2015, bệnh nhân Tạ Thị Vân H (nữ, 88 tuổi, sống ở Hai Bà Trưng - Hà Nội) đang đi chợ thì đột ngột xuất hiện mất ý thức, được người dân xung quanh sơ cứu và gọi cấp cứu 115 đưa vào bệnh viện trong tình trạng co giật, đỏ da toàn thân, sốt cao 400C, mạch nhanh…

Theo BS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai), say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Trong những ngày thời tiết nắng nóng gay gắt của mùa hè dễ khiến cơ thể con người mệt mỏi, mất nước, đặc biệt rất dễ bị say nắng, say nóng. Các biểu hiện có thể gặp như: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... ngoài ra có thể gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục thậm chí dẫn tới tử vong.

Chống nắng và uống đủ nước

Theo BS Cấp, khi nhiệt độ ngoài trời quá cao, cùng với việc phải phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc phải làm việc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức, lại thiếu các phương tiện chống nắng cần thiết, không bù đủ nước so với lượng mồ hôi mất ra sẽ dẫn đến hiện tượng lượng nhiệt sinh ra và lượng nhiệt hấp thu lớn hơn nhiều so với lượng nhiệt cơ thể tỏa ra môi trường xung quanh. Do đó trong say nóng, tình trạng mất nước toàn thể là chủ yếu.

Khi đó người bệnh có các dấu hiệu sốt cao, mặt mũi người bệnh đỏ nhừ, vã mồ hôi, mạch nhanh, cóbiểu hiện rối loạn thần kinh (mất phương hướng, ảo giác, lẫn lộn, co giật, hôn mê...). Có thể có tụ máu dưới màng cứng và trong não. Các tổn thương có thể không hồi phục hoặc khó hồi phục.

Khi có dấu hiệu bị say nắng, cần tìm cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước, càng sớm càng tốt. Để người bệnh nằm chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối, đường (oresol). Chườm mát khắp người cho bệnh nhân.Với những trường hợp nhẹ thì cơ bản người bệnh nhanh chóng hồi phục sau khi áp dụng các phương pháp trên. Tuy nhiên, có những thể nặng phải nhập viện điều trị như hai bệnh nhân trên.

Để phòng say nắng khi ra ngoài nắng cần mặc áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi, có mũ che đỉnh đầu, che kín gáy. Với những người có đặc thù công việc phải thường xuyên ở môi trường nhiệt độ cao phải mặc quần áo chuyên dụng và có giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý. Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Cần luôn nhớ uống đủ nước, không để khi cảm thấy khát mới uống nước. Tốt nhất mùa hè khi lượng mồ hôi mất đi quá nhiều do hoạt động thể lực, làm việc môi trường nắng nóng nên uống nước pha loãng muối đường (oresol) để vừa cung cấp nước, cung cấp điện giải mất đi theo mồ hôi.

Hồng Hải