“Hách từ trong nôi...”

Đó là cách người ta nói lái về chứng hôi nách - căn bệnh thường gặp ở tuổi dậy thì, “bốc mùi” mạnh nhất khi hoạt động tình dục, giảm dần khi về già và phụ nữ thường có tỷ lệ cao hơn nam giới.

Nguyên nhân

 

Hôi nách không phải là bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng mùi của nó làm ảnh hưởng đến người chung quanh, thậm chí làm cho “khổ chủ” buồn phiền, mất tự tin khi giao tiếp.

 

Chứng hôi nách thường gặp ở người có nhiều mồ hôi nhưng không phải ai ra nhiều mồ hôi cũng đều bị hôi nách. Có hai loại tuyến bài tiết mồ hôi, một loại tiết ra nước và ít muối khoáng, loại thứ hai là tiết ra mồ hôi nhờn, thường gặp ở hai hố nách, vùng bẹn, hoạt động khi bắt đầu ở giai đoạn dậy thì trở về sau, chịu ảnh hưởng của chất nội tiết androgen.

 

Trong mồ hôi nhờn, ngoài nước ra còn có các chất hữu cơ như urê, ammoniac, acid amin, glucid, acid uric, creatiuine, chất muối khoáng, chất béo cholestenol, acid béo… Khi bị vi khuẩn ở vùng nách phân hủy các chất hữu cơ, các chất béo trong mồ hôi sẽ sinh ra mùi khó chịu, gọi là mùi hôi nách.

 

Mùi hôi có thể thay đổi tùy theo thành phần bài tiết của mồ hôi nách và loại vi khuẩn gây phân hủy ở vùng đó. Mùi hôi nách cũng có thể ảnh hưởng bởi một số thức ăn, gia vị như: sầu riêng, hành, tỏi, cà ri, thuốc uống…

 

Bình thường, mồ hôi nách thường không có màu nhưng ở một số người khi mặc áo trắng có thể bị ố màu vàng sẫm, xanh lơ hoặc xanh lá cây, đó là do trong mồ hôi có chất tạo sắc tố, khi ra khí trời bị oxy hóa hoặc do bị vi khuẩn làm biến đổi màu của mồ hôi nách.

 

Cách khắc phục

 

- Mặc áo rộng, thoáng mát, tránh môi trường nóng nực.

 

- Dùng xà phòng có tính sát khuẩn khi tắm như: Lifebuoy, Safeguard, Daso. Nên tắm rửa hàng ngày.

 

- Bôi chất làm giảm tiết mồ hôi (antiperspirant), khử mùi hôi (deodorant) được bào chế và bán dưới dạng chai lăn (Roll-on). Bôi một lần đến hai lần trong ngày, cách 12 giờ sẽ có hiệu quả làm mất mùi hôi nách.

 

- Dùng dung dịch phèn chua tán nhuyễn pha trong nước bôi hàng ngày lên vùng nách. Cạo sạch lông nách, lau khô, bôi sẽ có hiệu quả hơn. Trong chất làm giảm tiết mồ hôi và khử mùi thường có chất clorua nhôm hoặc muối nhôm.

 

- Lau nách bằng nước giấm thanh hoặc thuốc tím pha loãng ngày 2-3 lần.

 

- Cần tránh dùng dầu thơm để bôi vào vùng nách vì mùi dầu thơm kết hợp với mùi hôi nách sẽ dễ tạo ra thứ mùi khó chịu hơn nhiều lần.

 

- Cần tránh sử dụng các chất như: hành, tỏi, sầu riêng, cà ri…

 

- Dùng nước ammoniac để tẩy các vết bẩn ở nách áo.

 

Theo BS. Huỳnh Huy Hoàng

Sài Gòn Giải Phóng