Hà Nội: Tràn lan phụ gia thay thế hàn the không rõ nguồn gốc

(Dân trí) - Ngay sau khi hàn the bị cấm dùng trong chế biến thực phẩm, tại các chợ của Hà Nội xuất hiện rất nhiều loại phụ gia thay thế khác, đóng mác trong nước hoặc từ Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc... và đa phần đều chưa có giấy phép lưu hành của cơ quan chức năng.

Tràn lan phụ gia giá bèo

 

Ngày 18/4, theo lời hẹn, chị Lan, một đầu mối sản xuất đồ mứt dầm khá uy tín tại Hà Nội dẫn chúng tôi tớí chợ Đồng Xuân mua một số loại chất phụ gia. Vừa bước đến dãy ki ốt chuyên bán đồ khô, nhiều chủ cửa hàng đã chạy ra niểm nở tiếp thị những sản phẩm mới nhất.

 

Có rất nhiều loại màu dành để làm mứt: xanh, đỏ, vàng, chocolate… cùng đủ các mùi hương: bí, khoai môn, dừa, vani… dạng bột có, lỏng có với đủ loại giá từ 20 - 40 ngàn đồng/kg. Tất cả đều được đóng góp khá chuyên nghiệp trong các túi. Người bán nói dạng lỏng được nhiều người chọn hơn vì đã được chế biến sẵn, sử dụng nhanh gọn.

 

Trong danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh (Ban hành kèm theo Nghị định số 59B/2006/NĐ- CP ngày 12/6/2006), phần pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm có nói rõ: Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng...nếu chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ được coi là sản phẩm hàng hoá bị cấm kinh doanh.

Đi thêm vài bước chân, một chủ ki ốt bán đồ khô bày trước mặt chúng tôi hai loại phụ gia mà theo lời của chị thì một là của Trung Quốc, giá 7 nghìn đồng/kg và một là của Mỹ, giá 8 nghìn 5 trăm đồng/kg. Hỏi cách dùng như thế nào,chủ hàng thản nhiên cho biết: Muốn trộn bao nhiêu tuỳ ý. Điều đặc biệt là chúng tôi không tìm thấy bất cứ thông tin nào về nhà sản xuất, công dụng trên nhãn mác những loại phụ gia này.

 

Tại khu đồ khô chợ Hàng Da, số lượng các mặt hàng phụ gia thay thế cũng nhiều không đếm xuể. Một chủ cửa hàng đưa cho chúng tôi xem gói phụ gia thực phẩm, tên gọi Biosta -MT- C18B của Công ty TNHH kỹ thuật Nguyên Thảo, địa chỉ tại 68/1 Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, TPHCM. Tác dụng của phụ gia này là chủ ki ốt này không ngừng “một tấc đến giời” quảng cáo chất lượng sản phẩm là “tạo độ quết dính, dai, dòn cho sản phẩm thịt”. Khi được hỏi muốn mua với số lượng nhiều, chị khẳng định bảo bao nhiêu cũng có: 50kg hoặc nhiều hơn cũng có và kể cả 1 - 2 lạng chị cũng có thể đóng túi cho với đầy đủ nhãn mác(?). Nhìn lại túi phụ gia này, chúng tôi lạnh người khi thấy hạn dùng là 1 năm, trong khi ngày sản xuất là 09/11/2004.    

 

Đi thêm vài ki ốt nữa, trong tay chúng tôi có thêm hai loại phụ gia khác. 427-Bột chống mốc -Nhớt, chỉ vẻn vẹn hai dòng ghi địa chỉ ở 372/5 hoặc 427 Phạm Văn Hai. P5.Q.Tân Bình. TPHCM (trước Trường Phạm Văn Hai, chợ ông Tạ cũ). Phụ gia này không có số đăng ký kinh doanh, hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản. Một gói phụ gia khác có tên Phụ gia 52- Làm giò chả, địa chỉ vẫn cơ sở sản xuất nói trên nhưng hướng dẫn cách dùng hết sức sơ sài: Trộn chung phụ gia với đường và bột ngọt; Hoà tan phụ gia trong nước, làm lạnh rồi sử dụng. Thành phần chỉ ghi vẻn vẹn là Polyphotphat chứ không ghi rõ là dùng trong công nghiệp hay thực phẩm.           

 

Người tiêu dùng cần cẩn trọng

 

Thực tế, phụ gia có tên Polyphotphat được dùng trong hai lĩnh vực chính là thực phẩm và công nghiệp. Tuy nhiên, do không hiểu biết nên nhiều nhà sản xuất đã đánh đồng hai loại này làm một. Phụ gia Polyphotphat sử dụng trong thực phẩm có tác dụng làm giòn, rai bánh phở, giò chả. Tuy nhiên, để sản xuất được thì người chế biến phải mua thêm một loại phụ gia chống mốc khác có tên Natri Benzonat. Natri Benzonat có tác dụng chống mốc nhưng ẩn chứa hiểm hoạ gây ung thư.

 

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Tú - Trưởng Phòng nghiên cứu Polyme dược phẩm - Viện Hoá Học khẳng định: “Phụ gia không rõ nguồn gốc thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh”.

 

Thậm chí, khi hay tin trên thị trường có loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, bà cũng nhờ người quen ở TPHCM mua hộ cho hai gói Polyphotphat và phụ gia chống mốc. Bà cho biết: “Chưa cần kiểm tra chất lượng, chỉ cần nhìn bao bì khá sơ sài, người bình thường sẽ phát hiện ra ngay chúng không rõ tên nhà sản xuất, cách sử dụng, bảo quản...”.

 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Tú, hiện chưa có cơ quan nào đứng ra lấy mẫu về nghiên cứu xem những phụ gia trên có nguy hại cho người sử dụng hay không. Tuy nhiên, với một mặt hàng không “danh chính ngôn thuận” về nguồn gốc xuất xứ mà vẫn được tung ra thị trường là điều đáng lo.

 

Một số chuyên gia trong ngành an toàn thực phẩm khuyến cáo, để tránh mua phải phụ gia không đảm bảo chất lượng, ATVSTP, người mua cần phải xem kỹ phụ gia đó có tên, địa chỉ đơn vị sản xuất, thành phần, cách dùng, bảo quản, giấy phép kinh doanh, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, phụ gia đó dùng cho thực phẩm hay công nghiệp...  

PV