(Dân trí) - Cùng với chiến dịch tiêm chủng vắc xin lịch sử, Hà Nội cũng đã triển khai đợt lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
HÀ NỘI: TOÀN CẢNH CHIẾN DỊCH XÉT NGHIỆM HƠN 300.000 NGƯỜI ĐỂ BÓC TÁCH F0
Cùng với chiến dịch tiêm chủng vắc xin lịch sử, Hà Nội cũng đã triển khai đợt lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Chiến lược bóc tách triệt để F0 trong bối cảnh dịch âm ỉ trong cộng đồng
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch được nhận định đã lây lan trong cộng đồng, từ ngày 9/8, Hà Nội đã triển khai chiến dịch xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên diện rộng.
Kế hoạch nhằm mục đích trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để F0, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Để thực hiện kế hoạch, UBND thành phố yêu cầu huy động mọi nguồn lực triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn thành phố, bảo đảm chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ, nhóm đối tượng nguy cơ và mở rộng xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình.
Để thực hiện, thành phố phân chia đối tượng xét nghiệm theo nhóm nguy cơ như sau:
Nhóm đỏ: Các khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao. Các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như chuỗi cung ứng, chợ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, công nhân, bảo vệ các tòa nhà... và các khu vực nguy cơ cao khác. Đối tượng nguy cơ cao khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.
Nhóm da cam: Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh... và các khu vực nằm trong vùng nguy cơ. Các đối tượng và các khu vực nguy cơ khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.
Nhóm xanh: Các đối tượng ít di chuyển tại khu vực không có dịch trong vùng xanh.
Trong giai đoạn một của chiến dịch, thành phố lên kế hoạch lấy mẫu tại các khu vực, đối tượng có nguy cơ cao ở 30 quận, huyện, thị xã với tổng cộng 300.000 mẫu, trong đó có 186.000 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ (trọng điểm là quận Hoàng Mai và quận Đống Đa, mỗi địa bàn theo kế hoạch lấy 50.000 mẫu) và 114.000 mẫu là người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Theo TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cùng với chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất trong lịch sử Thủ đô, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
"Ngành y tế Thủ đô quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm "vùng đỏ", không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững "vùng xanh" hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh", TS Hà cho hay.
Cứ 10.000 người được xét nghiệm phát hiện một F0
Tổng kết chiến dịch sau 7 ngày triển khai, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã lấy được 313.010 mẫu để xét nghiệm, vượt chỉ tiêu đặt ra.
Cụ thể, 11 quận, huyện thực hiện lấy mẫu cho đối tượng người sinh sống trong khu vực nguy cơ đã lấy được 195.250/186.000 mẫu, đạt 105% so với kế hoạch. Kết quả xét nghiệm phát hiện 26 ca dương tính.
Trong 26 ca dương tính có 3 trường hợp là người sinh sống tại khu vực phong tỏa của thôn Thọ Am, Liên Ninh, Thanh Trì. Khu vực này đã được phong tỏa từ ngày 31/7, trước đó đã có ít nhất một lần xét nghiệm âm tính. Đây là khu vực ổ dịch phức tạp, đã ghi nhận 70 ca mắc.
23 trường hợp khác đều ghi nhận tại quận Đống Đa: Văn Chương (9), Văn Miếu (12), Quốc Tử Giám (một), Láng Hạ (một). Qua kết quả điều tra dịch tễ, có 8/20 trường hợp là người cùng gia đình (thuộc 3 hộ gia đình), địa chỉ của các bệnh nhân có xu hướng khá gần nhau và giáp với các phường, các khu vực ổ dịch bị phong tỏa tại phường Văn Chương và khá gần với khu vực chợ Ngô Sĩ Liên (nơi có nhiều người giao lưu, đi lại). Mặt khác, trên địa bàn phường Văn Miếu trước đó có ghi nhận các địa điểm có liên quan đến các bệnh nhân dương tính như: nhà thuốc 64 Ngô Sĩ Liên (một ca dương tính là nhân viên bán thuốc); siêu thị Vinmart 14 Trần Quý Cáp (2 ca dương tính là nhân viên của siêu thị). Đây cũng là các địa điểm có nhiều người giao lưu đi lại, và có thể là điểm lây truyền dịch.
Việc lấy mẫu cho đối tượng nguy cơ được thực hiện tại 30 quận, huyện, thị xã, kết quả đã lấy được 117.760/114.000 mẫu, đạt 103% kế hoạch. Kết quả xét nghiệm sàng lọc phát hiện 3 trường hợp dương tính.
Phân bố 3 trường hợp dương tính tại Hoàng Mai (một ca tại Lĩnh Nam, là người đi bán tôm tại chợ Lĩnh Nam); Hà Đông (một ca tại Hà Cầu, là nhân viên lò mổ lợn Minh Hiền tại Bích Hòa, Thanh Oai); Thanh Oai (một ca tại Bích Hòa cũng là nhân viên lò mổ lợn Minh Hiền tại Bích Hòa, Thanh Oai). Lò mổ lợn Minh Hiền có khoảng 200 nhân viên giết mổ và hàng trăm khách hàng đến lấy thịt để về bán tại các chợ trên địa bàn thành phố.
Trao đổi với Dân trí, chiều 16/8, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết, sau khi hoàn thành giai đoạn một, lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai các bước để tiếp tục thực hiện các giai đoạn tiếp theo của chiến dịch này.
Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố có kế hoạch tiếp tục thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại các khu vực vùng đỏ, khu vực nguy cơ cao, khu vực trọng điểm. Dự kiến sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho 100% dân số tại các khu vực dịch có diễn biến phức tạp.
Trong toàn bộ chiến dịch, thành phố sẽ thực hiện xét nghiệm tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR và 2 triệu test nhanh.
Bên cạnh các nhóm nguy cơ cao, việc xét nghiệm "vùng xanh" cũng sẽ được thực hiện theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao, mỗi hộ gia đình lấy đại diện một mẫu của một thành viên có nguy cơ cao nhất (căn cứ theo lịch sử di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên tới các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ...).
Bên cạnh xét nghiệm, Hà Nội cần làm gì để không có đợt giãn cách thứ 3?
Xét nghiệm diện rộng là một trong 3 biện pháp chính, theo quan điểm của PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, để Hà Nội có thể kiểm soát được dịch bệnh trong đợt giãn cách thứ 2 này.
2 biện pháp còn lại, theo PGS Phu là:
Hà Nội phải thực hiện giãn cách thật nghiêm ngặt. Đây là điều quan trọng số một để "cách ly" người nhiễm virus với người bình thường do vẫn còn ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng.
Hà Nội cần tạo được nhiều vùng xanh an toàn (vùng không có dịch). Từ các ngõ, xóm an toàn, đường phố an toàn rồi tiến tới quận, huyện an toàn, Thủ đô an toàn. Nếu như cứ giãn cách mà chủ quan, không tạo được vùng xanh an toàn thì dịch rất dễ bùng lên.
"Thời gian vừa qua, Hà Nội đã tạo được nhiều vùng xanh an toàn do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tốt và được người dân tự quản. Đây là việc rất quan trọng. Kết hợp với thực hiện tốt "5K" thì chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng có thể bị cắt đứt, không lây lan diện rộng", PGS Phu cho hay.
Nếu Hà Nội thực hiện tốt, đồng bộ các biện pháp nêu trên thì hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, Hà Nội cần xem xét nới lỏng từ từ theo hoạt động, theo vùng nguy cơ, không nới lỏng toàn thành phố, nới tất các hoạt động một thời điểm.