1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Sởi vẫn “nóng”, tay chân miệng, sốt xuất huyết đe dọa bùng phát

(Dân trí) - Trong khi dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp, duy trì ở ngưỡng cao, ca tử vong tiếp tục tăng lên thì nhiều dịch bệnh khác cũng như tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng đang đe dọa Hà Nội.

Thêm 2 trẻ tử vong

Sáng 5/5, tại khoa Nhi (BV Bạch Mai), thêm một cháu bé tử vong sau hơn 1 tháng điều trị suy hô hấp vì tổn thương phổi quá nặng do biến chứng sởi. 
Như vậy, bổ sung thêm 1 trường hợp tử vong ngày 04/5/2014 tại Bệnh viện Nhi Trung ương đến nay cả nước ghi nhận 135 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc. Trong đó, Hà Nội chiếm khoảng 30% số mắc của cả nước.
Còn trong ngày 05/5/2014, cả nước ghi nhận thêm 55 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 4.085 trường hợp mắc sởi xác định trong số 15.217 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Hà Nội: Sởi vẫn “nóng”, tay chân miệng, sốt xuất huyết đe dọa bùng phát
Tại các bệnh viện tuyến Trung ương, vẫn còn nhiều trẻ viêm phổi biến chứng sau sởi nặng phải thở oxy, thở máy đe dọa tính mạng. Ảnh: H.Hải

Cũng trong sáng 5/5, tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đánh giá công tác phòng chống sởi và tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng- sốt xuất huyết. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, dù đã qua đỉnh dịch sởi, nhưng con số bệnh nhân mắc sởi tại Hà Nội vẫn duy trì ở mức cao.

Đánh giá về tình hình dịch sởi tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho rằng con số hơn 1.500 trẻ xác định sởi trong số hơn 4.000 ca sốt phát ban nghi sởi từ cuối năm 2013 đến nay vẫn là còn quá ít so với tỉ lệ trẻ chưa có miễn dịch với sởi. Vì tỉ lệ tiêm vắc- xin của Hà Nội đạt 95-98%. Như vậy Hà Nội vẫn còn 2-5% trẻ chưa được tiêm chủng tích lũy qua từng năm. Trong khi đó miễn dịch sởi cũng chỉ đạt 90-95%, do vậy ước tính có khoảng 70.000-100.000 trẻ chưa được chủng ngừa, về lý thuyết đều là những đối tượng có nguy cơ mắc sởi.

“Hà Nội có 1.500 trường hợp sởi, như vậy trung bình mỗi xã phường 4 - 5 ca sởi. Đợt dịch này hoàn toàn trong tầm kiểm soát bởi dịch là tản phát, chưa ghi nhận ổ dịch nào tại trường học, khu dân cư”, ông Cảm nói.

Dịch chồng dịch

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, lo ngại, ngoài dịch sởi vẫn đang duy trì ở mức cao, với số bệnh nhân mắc mới có giảm nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân nặng nhiều nguy cơ đang điều trị tại bệnh viện thì sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng đang có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới.
Về sốt xuất huyết, tính đến 5/5, cả thành phố Hà Nội ghi nhận 37 ca bệnh, 2 ổ dịch tại gần 50% quận huyện của Hà Nội. Tuy số ca mắc giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng dự báo năm 2014 là năm thứ 5 tính từ năm 2009 (năm bùng phát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội), cùng với các yếu tố nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội chưa được giải quyết triệt để như: thiếu nước sạch, tình hình trữ nước, tình trạng thuê trọ tại khu vực nội thành, các công trình xây dựng dang dở… thì sốt xuất huyết rất đe dọa bùng phát thành dịch.

Vì thế, hiện Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội trong tháng 5. Cụ thể theo dự thảo, mục tiêu được đặt ra tổ chức tập huấn cho mạng lưới cộng tác viên tại 30 xã phường trọng điểm. 100% xã phường tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết đợt 1 vào tháng 5 và 6; tổ chức 30 chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành truyền bệnh tại các xã phường nguy cơ cao trong tháng 6 và 7.

Bên cạnh đó bệnh tay chân miệng cũng xuất hiện rải rác với gần 200 trường hợp. Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa nên cũng rất dễ bùng phát thành dịch.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đề nghị các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè, trước nguy cơ dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết, tả vẫn có thể xảy ra. Đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng các quận huyện xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, chỉ đạo các xã phường phòng chống dịch, tập trung tuyên truyền cho người dân, tập huấn cho cán bộ về cách phòng bệnh; đảm bảo hóa chất, thuốc men, phương tiện chống dịch.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tiêm phòng của người dân ở thời điểm hiện tại, song song với chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí, Sở Y tế khuyến khích các quận huyện tổ chức các điểm tiêm chủng dịch, để rải bớt, không tập trung quá đông lên thành phố gây quá tải.

Hồng Hải