Hà Nội: Nôn ra máu vẫn tiếp tục uống rượu, người đàn ông phải đi cấp cứu
(Dân trí) - Cách thời điểm nhập viện 2 ngày, bệnh nhân có nôn ra máu và đi ngoài phân đen. Đáng chú ý, ngay sau hôm xuất hiện tình trạng này, bệnh nhân vẫn tiếp tục uống nhiều rượu.
Người đàn ông 35 tuổi, được vợ đưa vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng lờ đờ, mệt mỏi. Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân có thói quen uống nhiều rượu.
Cách thời điểm nhập viện 2 ngày, bệnh nhân có nôn ra máu và đi ngoài phân đen. Đáng chú ý, ngay sau hôm xuất hiện tình trạng này, bệnh nhân vẫn tiếp tục uống nhiều rượu và bị nôn ra máu lần 2 nên được người nhà đưa vào nhập viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hùng - Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa dẫn đến tình trạng đi ngoài phân đen và nôn ra máu.
"Bệnh nhân có tiền sử uống rượu từ lâu. Có thể do loét dạ dày, xuất huyết dạ dày dẫn đến triệu chứng trên", BS Hùng cho hay.
Qua thăm khám, bác sĩ nhận định bệnh nhân huyết động ổn định, mạch không nhanh, da niêm mạc hồng, thể trạng tốt nên có thể nội soi có trì hoãn.
Nhập viện cùng ngày với bệnh nhân trên là một trường hợp bị ngộ độc rượu sau khi nhậu cùng bạn bè.
Người thân chia sẻ, trước đó, bệnh nhân cùng 3 người khác uống rượu ngâm ngọc cẩu. Sau chầu rượu, cả 4 người cùng có biểu hiện nôn, mê man nhưng người đàn ông này có tình trạng nặng nhất nên được đưa vào viện.
"Bệnh nhân bị ngộ độc cấp, chúng tôi đang theo dõi tình trạng ngộ độc rượu do ethanol và chưa loại trừ ngộ độc methanol", BS Hùng chia sẻ về tình trạng của bệnh nhân.
Theo BS Hùng, với bệnh nhân ngộ độc rượu trong 6 tiếng đầu sẽ có chỉ định rửa dạ dày để loại bỏ trực tiếp chất độc.
Bên cạnh đó, một phương án điều trị khác là giải độc không đặc hiệu. Các bác sĩ sẽ tăng lượng truyền dịch để bệnh nhân đi tiểu đào thải chất độc.
Ngoài các trường hợp trên, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì các vấn đề sức khỏe do rượu gây ra, cũng như tai nạn giao thông do điều khiển xe khi đã uống bia rượu.
Theo các chuyên gia, lạm dụng bia rượu dẫn đến nhiều tác hại cho sức khỏe, Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiêu thụ bất kỳ lượng rượu nào cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa và tham gia vào quá trình làm thay đổi cấu trúc ADN.
Uống rượu quá mức và lâu ngày tạo ra một loạt các tổn thương gan, đặc trưng nhất là gan nhiễm mỡ, viêm gan và xơ gan.
Khi uống > 40g rượu/ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm tụy cấp và mãn tính. Cơ chế là do bia, rượu làm rối loạn quá trình bài tiết enzym tụy, các enzym bị hoạt hóa và thực hiện chức năng ngay khi còn ở trong tụy, gây ra viêm tụy.
Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ tử vong khi mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp lên đến 7%. Nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa uống rượu và bệnh thiếu máu cơ tim, rung nhĩ, suy tim, là cầu nối giữa bệnh tăng huyết áp và bệnh tim.
Nguy hiểm hơn, nếu uống phải rượu pha bằng cồn công nghiệp methanol, người dân có thể hứng chịu những tổn thương nặng nề lên nhiều bộ phận trên cơ thể, đặc biệt gây hoại tử não và mù mắt. Vì các trường hợp ngộ độc methanol thường được đưa đến bệnh viện muộn, nên tỉ lệ tử vong là rất cao.
Từ thực trạng này, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế tối đa việc sử dụng bia rượu để đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt lưu ý không lái xe sau khi đã uống rượu bia.