Hà Nội: Người đàn ông phổi trắng xóa vì căn bệnh triệu chứng giống Covid-19

Minh Nhật

(Dân trí) - Diện tổn thương phổi của bệnh nhân khoảng 60 - 70%. Người này đã được can thiệp thở máy xâm nhập vì suy hô hấp nặng.

Bệnh nhân nam hơn 60 tuổi, có tiền sử bị gout được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp chỉ số SpO2 giảm thấp, mê man.

Tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được can thiệp đặt ống thở máy do tình trạng suy hô hấp diễn tiến nặng.

Theo BS Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân bị cúm mùa, kết quả chụp chiếu tại khoa Hồi sức tích cực cho thấy phổi bệnh nhân trắng xóa cả 2 bên.

"Diện tổn thương phổi của bệnh nhân khoảng 60 - 70%. Những vùng phổi trắng trên phim chụp là vùng đã bị tổn thương không thực hiện chức năng trao đổi khí được", BS Phúc cho hay.

Hà Nội: Người đàn ông phổi trắng xóa vì căn bệnh triệu chứng giống Covid-19 - 1

Điều trị bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo chuyên gia này, từ giai đoạn sau Tết, số lượng bệnh nhân cúm diễn biến nặng phải nhập viện gia tăng nhanh. Hiện thời tiết giao mùa Đông - Xuân chính là giai đoạn thuận lợi để cúm bùng phát mạnh.

"Vừa ra Tết, chúng tôi đã tiếp nhận cùng lúc 3 ca cúm diễn tiến nặng, phải can thiệp hô hấp cho bệnh nhân. Giai đoạn hiện nay, mỗi tuần cả khoa Cấp cứu và khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận 6 - 7 bệnh nhân cúm nặng, nhiều trường hợp trong số đó phải can thiệp thở máy", BS Phúc thông tin.

Theo chuyên gia này, hầu hết các ca bệnh cúm diễn biến nặng mà khoa tiếp nhận là người cao tuổi, người có bệnh nền.

BS Phúc cảnh báo thêm rằng, cúm cũng như Covid-19 có nguy cơ cao diễn tiến nặng trên cơ địa người già, người có bệnh nền (phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ gan, tim mạch…), trẻ con.

"Cúm nguy hiểm không kém gì Covid-19 nên người dân tuyệt đối không được chủ quan. Điển hình như tại Mỹ, theo số liệu thống kê của CDC, mỗi năm có đến 10.000 ca tử vong vì cúm", BS Phúc nhấn mạnh.

Theo BS Phạm Thị Kiều Loan - Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, bệnh cúm mùa đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng như: sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng và chảy nước mũi.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mắc cúm đều có đầy đủ các triệu chứng của bệnh, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh thường hồi phục sau một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, với trường hợp diễn biến nặng, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong đặc biệt ở những người có nguy cơ cao.

Trong bối cảnh dịch cúm vào mùa, nếu có biểu hiện sốt cao, đau mỏi người, viêm đường hô hấp trên, nghi ngờ cúm, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, xét nghiệm khẳng định, qua đó điều trị đặc hiệu.

Để phòng tránh cúm cũng như các bệnh lây qua đường hô hấp, người dân cần tuân thủ các biện pháp sau:

 - Hạn chế đến những nơi đông người như: phương tiện giao thông công cộng, trung tâm thương mại, khu vui chơi…

- Chú ý đeo khẩu trang khi đến những khu vực có nguy cơ cao.

- Đeo khẩu trang đúng cách, trong quá trình đeo không chạm tay vào bề mặt khẩu trang vì dễ khiến bàn tay bị lây nhiễm các tác nhân gây bệnh, khi tháo khẩu trang cần cầm vào phần quai.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có chứa cồn.

Bên cạnh các biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm với mầm bệnh thì chúng ta cũng cần tăng cường sức đề kháng, để cơ thể chống chọi tốt hơn với những "kẻ xâm nhập" này.

Biện pháp an toàn và hữu hiệu nhất chính là thông qua chế độ ăn hàng ngày. Theo đó, chế độ ăn cần đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt cần tăng cường các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (đặc biệt là kẽm) trong thực đơn như: cam, quýt, bưởi, kiwi, gừng, cà chua, cà rốt, nấm, hải sản…