1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Gầm 60% mẫu thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh

(Dân trí) - Trong 6 tháng đầu năm 2014, Sở NN&PTNT Hà Nội và các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục mẫu thịt gia súc, gia cầm sản xuất và tiêu thụ tại thủ đô bị nhiễm khuẩn E.coli, Salmonella và vượt giới hạn tối đa cho phép về vi sinh vật.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2014, các đơn vị thuộc Sở giám sát tổng số 142 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó có 27 mẫu sản phẩm sản xuất ở ngoại tỉnh được đưa vào Hà Nội tiêu thụ (06 mẫu thủy sản, 12 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 09 mẫu chè, 09 mẫu rau) và 115 mẫu sản phẩm được sản xuất tại địa bàn Hà Nội gồm: 09 mẫu chè, 12 mẫu rau, 12 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 07 mẫu sản phẩm thủy sản và 75 mẫu thủy sản tại vùng nuôi.

Hiện nay đã có kết quả vi sinh của 38 mẫu nông lâm thủy sản (19 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 07 mẫu sản phẩm thủy sản, 12 mẫu rau); 31 mẫu có kết quả hóa lý (9 mẫu chè, 13 mẫu rau, 02 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 7 mẫu sản phẩm thủy sản).

Nhiều mẫu thịt lợn và thịt gà sản xuất và tiêu thụ tại Hà Nội bị nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)
Nhiều mẫu thịt lợn và thịt gà sản xuất và tiêu thụ tại Hà Nội bị nhiễm khuẩn (Ảnh minh họa)

Kết quả giám sát đã phát hiện 07/12 mẫu thịt gia súc, gia cầm có kết quả được sản xuất tại Hà Nội vượt giới hạn tối đa cho phép (GHTĐCP) về vi sinh vật, chiếm 58,33%. Trong số đó, có 02 mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh vật và khuẩn E.coli; 03 mẫu thịt lợn nhiễm vi sinh vật, 01 mẫu thịt lợn nhiễm Salmonella và 01 mẫu thịt gà nhiễm E.coli.

Có 03/09 mẫu thịt gia súc, gia cầm được nhập từ các tỉnh được tiêu thụ tại Hà Nội có kết quả vượt GHTĐCP về E.coli, chiếm 33,33%. Có 01/07 mẫu sản phẩm thủy sản được nhập tiêu thụ tại Hà Nội có kết quả vượt GHTĐCP về vi sinh vật, chiếm 14,2%.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho biết: Về chỉ tiêu lý hóa, các mẫu có kết quả đều nằm trong ngưỡng cho phép. Các mẫu còn lại đang chờ kết quả phân tích.

Trong giai đoạn này, thanh tra Sở cũng tiến hành kiểm tra 123 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp: phát hiện xử phạt 46 tổ chức, cá nhân số tiền là 278,72 triệu đồng với các vi phạm về sản xuất kinh doanh thực phẩm không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, vi phạm nhãn hàng hàng hóa, không có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, kinh doanh, bảo quản không đảm bảo quy định, kinh doanh giết mổ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y…

Ngoài ra còn tiêu hủy hàng trăm kg thịt lợn, thịt gà, sản phẩm thủy sản, chả cá,… và hơn 200kg cà chua, bí ngô, khoai tây hết hạn sử dụng, không đảm bảo VSATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thu hồi và khắc phục về nhãn mác hàng trăm chai nước nắm các loại.

Thanh tra Sở đã phối hợp với Đội 2 PC 49 Công an thành phố Hà Nội và Đội 19 Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất giò chả, jăm bông tại thị xã Sơn Tây Hà Nội trình chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 58,27 triệu đồng với các hành vi hoạt động kinh doanh giò chả, jăm bông không có Giấy Đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tập huấn kiến thức ATTP, sử dụng động vật trên cạn chưa qua kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Ông Đại cho biết tỷ lệ cơ sở vi phạm VSATTP trên địa bàn thủ đô vẫn còn cao là 345/2.940 cơ sở (chiếm 11,73%), đặc biệt là các huyện ngoại thành, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, chưa được kiểm soát hàng ngày.

Nguyên An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm