GS Phan Toàn Thắng và công nghệ tách tế bào gốc

(Dân trí) - Có thể nói công nghệ bóc tách tế bào gốc từ màng dây rốn và dây rốn do GS - BS Phan Toàn Thắng phát hiện có ý nghĩa rất lớn trong sử dụng tế bào gốc vào nghiên cứu và điều trị, bởi vì nó gần như là câu trả lời cho tất cả những khó khăn và trở ngại của công nghệ tế bào gốc hiện hành.

Dưới đây là buổi trò chuyện với giáo sư Phan Toàn Thắng xung quanh việc ứng dụng công nghệ mới mẻ này vào cuộc sống.

 

Giáo sư đã từng nói rằng, việc tìm ra nguồn tế bào gốc từ màng dây rốn cũng là chuyện tình cờ?

 

Đúng vậy, một hôm có một dây rốn lạ gửi tới phòng nghiên cứu của chúng tôi, là chuyên gia nghiên cứu về da và vết thương nên ngay lập tức ý tưởng áp dụng kỹ thuật tách tế bào da vào màng dây rốn đã bắt đầu hình thành trong đầu tôi. Sau 4 tháng tìm tòi và nghiên cứu, công nghệ bóc tách tế bào gốc từ màng dây rốn và cuống rốn đã thành công.

 

Ưu và nhược điểm của công nghệ điều trị tế bào gốc là gì thưa giáo sư?

 

Sử dụng tế bào gốc điều trị có hai nguy cơ chính về an toàn được đặt ra đó là nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm như HIV, Viêm gan B. Nguy cơ đầu tiên được kiểm soát dễ dàng và thuận lợi qua việc làm xét nghiệm người cho cũng như xét nghiệm tế bào để đảm bảo không có bất kể một mầm bệnh nguy hại nào trước khi đưa vào sử dụng điều trị. không những thế, khả năng tạo thành khối u ác tính là rất có thể. Đây chính là một trong những trở ngại lớn nhất của các tế bào gốc phôi (embryonic stem cells).

 

Tế bào gốc phôi nuôi trong ống nghiệm được ví như đứa trẻ 3 tuổi tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh xã hội nó có thể trở thành người tốt hoặc kẻ xấu trong tương lai. Hiện nay khoa học vẫn chưa tìm ra phương thức hiệu quả để kiểm soát quá trình biệt hóa của tế bào gốc phôi nuôi trong ống nghiệm thành tế bào tốt chứ không phải tế bào ác.

 

Tế bào gốc trưởng thành (adult stem cells) và tế bào gốc nhũ nhi (infant stem cells) được coi là an toàn hơn cả. Hai loại này không tạo khối u ác và đã được sử dụng trong lâm sàng điều trị rất nhiều năm mà không có tai biến tạo u ác tính. Do đó, ứng dụng tế bào gốc từ màng dây rốn được coi là phương pháp an toàn nhất. Vì màng dây rốn và dây rốn phát triển từ phôi thai ở tháng thứ 1 và được thu giữ lại ở tháng thứ 9 nên tính chất tế bào gốc còn rất tốt. Những người khoẻ mạnh thì sẽ trẻ lâu hơn vì khả năng chống lão hóa của tế bào gốc.

 

Được biết tế bào màng dây rốn còn  ứng dụng trong cả ngành thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp?

 

Thực tế,  màng nhau thai và dây rốn đã được sử dụng từ rất lâu trong y học để điều trị vết thương bỏng, vết thương nhãn cầu. Các chế phẩm của nhau thai đã được sử dụng để bồi bổ sức khỏe và chống lão hoá. Hiện một số nước phát triển trên thế giới  đã sử dụng tế bào gốc từ nhau thai người và động vật cho thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp.

 

Tế bào gốc và các chế phẩm chứa một lượng protein tốt, các yếu tố phát triển và các chất nền tảng giúp cho chức năng tế bào da tốt hơn giúp cho làm đầy các nếp nhăn. Theo một số công trình nghiên cứu gần đây của một trung tâm ghiên cứu ung thư hàng đầu của Mỹ tại Đại học Texas, Trung tâm MD Anderson, thì tế bào gốc còn có khả năng điều trị các khối u tạng đặc (ung thư vú, gan, phổi, não...).

 

GS đang cùng các đồng nghiệp tại Singapore( nơi GS Thắng sinh sống và làm việc) đang tiến hành nghiên cứu trên động vật để điều trị vết thương, tổn thương da do lão hóa và tia xạ, gẫy xương và tổn thương sụn, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, tai biến mạch máu não… Kết quả thu được là…?

 

Kết quả ban đầu  thu được thật đáng khích lệ, đó là bước đệm để cho dự định đầu năm tới sẽ tiến hành điều trị phương pháp bóc tách và nuôi cấy tế bào dây rốn trên người. Trước tiên, cho các loại vết thương bỏng và vết thương mãn tính do tiểu đường tại Singapore, Hồng Kông, Mỹ, Úc và Ấn Độ. Những năm tiếp theo, sẽ tiến hành tiếp việc ứng dụng điều trị trên người cho các loại tổn thương sụn và gẫy xương. Trong tương lai xa hơn, sẽ tiến hành áp dụng điều trị trên người cho các loại bệnh như: Tiểu đường và nhồi máu cơ tim.

 

Xin cảm ơn Giáo sư!

 

Ưu điểm của công nghệ tách tế bào gốc từ màng dây rốn

 

- Không vi phạm y đức, không gây tổn thương cho cả mẹ và con trong quá trình thu giữ dây rốn.

 

- Quá trình thu giữ dễ dàng nên việc lưu giữ bảo quản đông lạnh rất thuận lợi và hiệu quả cho việc sử dụng tế bào gốc màng dây rốn để điều trị cho gia đình và bản thân trong tương lai (như một loại bảo hiểm) các loại bệnh như: Bỏng, tổn thương da, gãy xương, teo cơ, tổn thương sụn và gân, liệt tủy, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, Parkinson... và thậm chí có thể dùng cho thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp.

 

- Kỹ thuật nuôi cấy không quá phức tạp và tốn kém nên các nước đang phát triển có thể sớm áp dụng công nghệ này.

Việc đào tạo và chuyển giao công nghệ bóc tách, nuôi cấy tế bào gốc từ màng dây rốn của về Việt Nam của Gs Thắng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ủng hộ và thông qua và  triển khai vào đầu năm 2007. Sẽ có nhiều đơn vị ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn tham gia.

 

Phạm Thanh- Mai Hương

(thực hiện)