1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Giúp trẻ chữa tật đái dầm

(Dân trí) – Sợ bé đái dầm khi đi ngủ, cha mẹ hay đánh thức con dậy đi “tè” khi con đang ngủ, hay bắt bé mang tã… Tất cả những điều này có thể làm tình trạng đái dầm của trẻ càng trầm trọng hơn.

Yếu tố tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến việc trẻ có chấm dứt được tình trạng “ướt” sau mỗi sáng ngủ dậy.

 

Nguyên nhân gây đái dầm

 

Đái dầm là tình trạng đi tiểu không tự chủ trong lúc ngủ, chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, nhưng cũng có thể gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên và người lớn.

 

Thể đái dầm tiên phát xuất hiện từ nhỏ, nguyên nhân thường do cung phản xạ thần kinh kiểm soát việc đi tiểu phát triển chưa hoàn thiện. Khi trẻ lớn, thường sau 5 tuổi, đái dầm sẽ giảm và tự hết mà không cần phải can thiệp điều trị.

 

Thể đái dầm thứ phát xuất hiện sau một thời gian tối thiểu 3 tháng không bị đái dầm, do một căn nguyên nào đó gây nên, nếu sau 5 tuổi mà tình trạng đái dầm không giảm thì cần phải có sự can thiệp.

 

Đa số nguyên nhân gây đái dầm thứ phát có liên quan tới yếu tố tâm lý như, giấc ngủ không sâu, thức giấc chậm và khó khăn, mơ đang đi tiểu, thay đổi môi trường sống và học tập, bố mẹ ly dị, bị hăm doạ, bị lạm dụng tình dục... Một số tổn thương thực thể gây ra đái dầm thứ phát như, giảm tiết hormon chống bài niệu vào ban đêm, dị tật bẩm sinh hệ sinh dục tiết niệu, viêm đường tiết niệu, đái tháo đường, gai đôi cột sống, táo bón....

 

Theo thống kê, nếu một trong hai người bố hoặc mẹ bị đái dầm thì 44% trẻ sinh ra bị đái dầm, Còn nếu cả hai bố mẹ đều đái dầm sẽ sinh ra 77% trẻ mắc chứng đái dầm. Một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện gen qui định đái dầm nằm trên cặp nhiễm sắc thể số 13 ở người bị đái dầm.

 

Cần làm gì khi trẻ bị đái dầm

 

- Cho trẻ uống nhiều nước vào ban ngày, hạn chế uống nước trước khi đi ngủ 2 giờ, đi tiểu trước khi đi ngủ.

 

- Nói cho trẻ biết trong cùng lớp học cũng có nhiều bạn khác bị đái dầm, điều này khiến trẻ không thấy cảm giác xấu hổ, tự ti sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của trẻ.

 

- Cần giải thích cho trẻ bằng những thuật ngữ đơn giản, dễ hiểu về những gì đang xảy ra để trẻ có thể nghe theo lời khuyên của cha mẹ.

 

- Giải thích cho trẻ hiểu ban đêm buồn đi tiểu cần phải tự giác thức dậy đi tiểu.

 

- Nếu trẻ sợ đêm đen, sợ phải ra nhà vệ sinh vào ban đêm, có thể đặt bô và đèn nhỏ cạnh giường để khuyến khích trẻ thức dậy khi cần phải đi tiểu.

 

- Gắn một thiết bị báo động đái dầm chạy bằng Pin lên người trẻ. Phương pháp này sử dụng cho thể đấi dầm tiên phát, tỷ lệ thành công trên 70% sau 3 tháng điều trị.

 

- Lập một bảng theo dõi hàng tháng và trẻ được thưởng khi số lần đái dầm giảm. Buổi sáng ngủ dậy, trẻ tự đánh dấu vào bảng tình trạng “khô” hoặc “ướt” bằng một hình vẽ hoặc một ký hiệu.

 

- Luyện tập theo phương pháp Kegel 5 lần trong ngày. Mục đích làm tăng sức mạnh của các cơ có liên quan tới tiểu tiện như cơ bụng, cơ đái chậu, cơ thắt cổ bàng quang, cơ thắt hậu môn. Phương pháp có hiệu quả cao nhưng chỉ áp dụng được ở trẻ lớn.

 

Phương pháp Kegel chậm, duy trì sự co cơ trong vòng 10 giây, sau đó thả lỏng cơ và hít thở sâu trong vòng 10 giây, lặp lại 10 lần như vậy. Phương pháp Kegel nhanh, thực hiện co giãn cơ nhanh nhất có thể.

 

-    Cho trẻ cùng tham gia giặt giũ chăn, ga, chiếu, quần áo khi trẻ đái dầm.

 

Những điều không nên làm đối với trẻ đái dầm

 

- Không phạt, không kết tội, không làm trò cười mỗi khi trẻ đái dầm.

 

- Tránh dùng thuật ngữ rườm rà phức tạp làm cho trẻ lo lắng, tình trạng đái dầm càng trầm trọng hơn.

 

- Không bắt trẻ mang tã khi đi ngủ.

 

- Bố mẹ không đánh thức trẻ dậy đi tiểu trong khi trẻ đang ngủ.

 

BS Trần Văn Phúc

(Bệnh viện Xanh Pôn)