Giao mùa, chuyên gia khuyến cáo: Không nên xem thường cúm mùa ở người cao tuổi
(Dân trí) - Theo PGS.TS.BS. Vũ Thị Thanh Huyền - Tổng thư ký Hội Lão khoa Việt Nam, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cúm mùa có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Ở người cao tuổi, hệ miễn dịch đã bị lão hóa, nếu chẳng may mắc phải cúm mùa, khả năng nhập viện và tử vong do cúm mùa sẽ tăng lên. PGS.TS.BS. Vũ Thị Thanh Huyền giải đáp các thắc mắc liên quan tới những biến chứng của cúm mùa trên đối tượng này.
Vì sao vào giai đoạn chuyển mùa, bệnh cúm lại gia tăng, thưa bác sĩ?
- Thời điểm giao mùa thay đổi thời tiết, nồm ẩm, nóng, lạnh thất thường, đặc biệt là khí hậu miền Bắc thay đổi, ẩm ướt như thời gian này… là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển.
Trong đó, các vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh. Những bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa phải kể đến như: viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và đặc biệt là cúm mùa.
Bác sĩ đánh giá như thế nào về nguy cơ mắc bệnh cúm mùa ở người cao tuổi?
- Cúm mùa có thể ảnh hưởng nặng nề đến các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt, với người cao tuổi, người có bệnh lý mạn tính, khi nhiễm cúm, cơ thể có thể sẽ chịu tác động nặng nề, cụ thể như cúm mùa làm tăng gấp 8 lần nguy cơ đột quỵ; tăng gấp 10 lần nguy cơ đau tim, nhồi máu cơ tim; tăng gấp 8 lần nguy cơ viêm phổi; tăng 74% nguy cơ về biến cố bất thường liên quan đến bệnh đái tháo đường…
Đối với người trên 60 tuổi, mắc bệnh lý nền như tim mạch, đái tháo đường, COPD… thì nguy cơ tử vong do cúm cũng cao hơn, chẳng hạn như: nguy cơ tử vong tăng gấp 5 lần đối với bệnh nhân tim mạch; đối với bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, thì nguy cơ tử vong tăng 12 lần.
Tỷ lệ này thậm chí gấp 20 lần đối với bệnh nhân có bệnh lý nền bao gồm cả bệnh tim mạch và bệnh phổi.
Nhiều người lầm tưởng và khó phân biệt cúm mùa khác với cảm lạnh thông thường, vậy theo bác sĩ, đâu là cách để phân biệt dễ dàng nhất?
- Cảm nhẹ bình thường có các dấu hiệu phổ biến bao gồm: ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, hắt xì, đau họng, sốt, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể… và những triệu chứng này có thể qua nhanh.
Tuy nhiên với cúm mùa thì không đơn giản như vậy, không phải là tình trạng cảm thông thường mà dễ bỏ qua. Ngoài những dấu hiệu kể trên, cúm mùa có thể gây sốt 39 độ C - 40 độ C, nhức đầu, đau nhức toàn thân, ho dữ dội, suy nhược nặng, tiêu chảy, nôn ói...
Người có bệnh lý nền mạn tính nào cần nâng cao đề kháng hơn trong giai đoạn thời tiết đang thay đổi thất thường trên cả nước?
- Nhóm đối tượng nguy cơ bao gồm các bệnh nền như đái tháo đường, tim mạch (huyết áp, suy tim), các bệnh phổi (viêm phổi tắc nghẽn mạn tính - COPD, hen suyễn, viêm phế quản mạn).
Trên thực tế khám bệnh, cá nhân tôi đã gặp không ít trường hợp bệnh nhân là người cao tuổi, đặc biệt là đối tượng có những bệnh lý nền như tôi kể ở trên khi vào viện đã bị biến chứng của cúm như viêm phổi, suy hô hấp… Đối với những trường hợp này, quá trình điều trị sẽ kéo dài hơn do có đề kháng, miễn dịch kém hơn. Vì thế, virus cúm có cơ hội, môi trường thuận lợi hơn để tác động.
Những chuyển biến nghiêm trọng nào có thể xảy ra nếu người cao tuổi và người có bệnh lý nền mạn tính mắc cúm mùa?
- Người mắc bệnh nền như bệnh tim mạch khi mắc cúm mùa có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim tăng từ 6-10 lần trong vòng 1 tuần sau khi nhiễm bệnh; tăng nguy cơ về đột quỵ từ 3-10 lần; nguy cơ về suy tim phải nhập viện tăng 24%...
Nếu như chẳng may mắc cúm, người nhà cần lưu ý gì khi chăm sóc cho người lớn tuổi, người có bệnh lý nền?
- Vì người cao tuổi, người có bệnh lý nền là đối tượng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng khi nhiễm cúm, nên cần theo dõi kỹ, nếu có dấu hiệu trở nặng cần nhập viện ngay.
Lưu ý, trong quá trình chăm sóc người cao tuổi, người có bệnh lý nền cần đặc biệt chú ý thêm về dinh dưỡng, duy trì việc uống thuốc điều trị các bệnh nền đó theo đúng chỉ định trước đó của bác sĩ.
Ngoài việc tiêm vaccine ngừa cúm cho người lớn, người có bệnh lý nền trong gia đình ra, theo bác sĩ, người thân, người chăm sóc những đối tượng này nên làm gì để phòng tránh cúm mùa?
- Theo Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế và nhiều hiệp hội chuyên ngành khuyến cáo, việc tiêm vaccine có ý nghĩa quan trọng trong phòng chống bệnh cúm. Do đó, không nên có quan niệm chỉ tiêm vaccine cúm cho đối tượng có nguy cơ cao trong gia đình mà tất cả người thân, người chăm sóc những đối tượng này nên tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm để tránh lây bệnh cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền trong gia đình.