Giao lưu trực tuyến: Bộ Y tế trả lời các vấn đề xoay quanh quản lý thực phẩm chức năng

(Dân trí) - Đúng 14h ngày 19/9, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có mặt tại tòa soạn báo Dân trí, trả lời các vấn đề bạn đọc đang quan tâm liên quan đến thực phẩm chức năng.

Giao lưu trực tuyến: Bộ Y tế trả lời các vấn đề xoay quanh quản lý thực phẩm chức năng - 1

Nhà báo Nguyễn Lương Phán- Phó Tổng biên tập báo điện tử Dân trí tặng hoa hai vị khách mời trong chương trình. Ảnh: Đỗ Quân

Từ đầu năm 2000 thực phẩm chức năng bắt đầu xuất hiện. Chỉ sau gần 20 năm, hiện nay đã có gần 4000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, với hơn 70% các sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường Việt Nam là do các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng trong nước sản xuất, còn hơn 20% là thực phẩm chức năng nhập khẩu. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất khẩu thực phẩm chức năng ra nước ngoài.

Bộ Y tế trả lời các vấn đề xoay quanh quản lý thực phẩm chức năng

Để quản lý thị trường thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều quy định, nghị định. Đặc biệt từ năm 2010, thực phẩm chức năng chính thức được quản lý bởi Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.  Bộ y tế có Thông tư 43/2014/TT-BYT về Quản lý thực phẩm chức năng ngày 24/11/2014và các Thông tư của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn việc đăng ký sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo... đối với thực phẩm chức năng, văn bản này đã quy định đầy đủ các nội dung quản lý sản phẩm thực phẩm chức năng như vấn đề về công bố, ghi nhãn, kiểm nghiệm, điều kiện sản xuất, quảng cáo…

Từ năm  2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, đây là bước cải cách hành chính quan trọng, đã thay đổi căn bản về phương thức và việc phân cấp quản lý về lĩnh vực An toàn thực phẩm. Theo đó, nhóm thực phẩm chức năng/bảo vệ sức khỏe thực hiện việc đăng ký bản công bố sản.

Tại Việt Nam hiện có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Số tiền, số doanh nghiệp bị xử phạt do sai phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng tăng. Từ số tiền phạt hơn 5,7 tỷ năm 2016 đã tăng lên hơn 6 tỷ năm 2018. 9 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xử phạt số tiền hơn 46 tỷ, trong đó riêng Cục An toàn thực phẩm xử phạt hơn 3,1 tỷ.

Theo đó, từ ngày 1/7/2019 các sản phẩm TPCN/Thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước và nhập khẩu phải được sản xuất tại cơ sở được chứng nhận GMP. Theo Cục An toàn thực phẩm, việc siết theo tiêu chuẩn GMP, những cơ sở không đủ điều kiện sản xuất sẽ phải đóng cửa. Điều này sẽ giúp loại bỏ những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đạt chất lượng ra khỏi thị trường. Việc áp theo tiêu chuẩn này, chúng ta không lo thiếu TPCN mà chỉ lo làm sao có đủ thực phẩm chức năng tốt, đảm bảo chất lượng. Các sản phẩm thực phẩm chức năng không đạt chất lượng cũng sẽ bị loại bớt.

Theo các quy định, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trước khi lưu thông trên thị trường phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, khi công bố công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm đó, liều dùng hàng ngày phải đảm bảo ≥15 % theo liều dùng trong tài liệu chứng minh, các vitamin, khoáng chất bổ sung vào thực phẩm bảo vệ sức khỏe không được vượt quá ngưỡng dung nạp theo quy định của Bộ Y tế.

Thực phẩm chức năng trước khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định….

Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn GMP còn khá mới mẻ. Bên cạnh đó, các vấn đề bất cập trong việc các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng quá công dụng trên các phương tiện truyền thông ngày càng nhiều, đặc biệt là trên các kênh mạng xã hội như zalo, facebook, website… làm đau đầu nhà quản lý.

Để cung cấp thêm thông tin về thực trạng cũng như các quy định hiện nay về quản lý thực phẩm chức năng, Báo Dân trí phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Phổ biến các quy định về quản lý thực phẩm chức năng” vào lúc 14 giờ ngày 19/9/2019

Giao lưu trực tuyến: Bộ Y tế trả lời các vấn đề xoay quanh quản lý thực phẩm chức năng - 2
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn Dân trí

Khách mời của chương trình:

- PGS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam.

Xin mời bạn đọc đặt câu hỏi tham gia giao lưu cùng chương trình tại đây: 

 

Sức khoẻ