Gián đoạn tiêm chủng vì dịch Covid-19, nguy cơ dịch bệnh khác tấn công trẻ
(Dân trí) - Giải pháp tạm ngừng tiêm chủng để phòng dịch Covid-19 như “con dao hai lưỡi” khi trẻ được bảo vệ trước dịch mới nổi thì lại đối mặt với nguy cơ bị các loại bệnh nguy hiểm khác tấn công.
Dịch Covid-19 đã bùng phát trên quy mô toàn cầu, đe dọa sức khỏe, sinh mạng của nhân loại. Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bảo vệ nhóm trẻ nhỏ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, ngày 31/3 Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã có công văn gửi đến tất sở y tế các tỉnh thành trên cả nước về việc tạm dừng tiêm chủng thường xuyên 15 ngày.
Sau thời gian trên, ngày 22/4 Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiếp tục có công văn về việc triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên trong thời gian dịch Covid-19 gửi đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và Y tế Dự phòng 63 tỉnh thành trên cả nước.
Theo đó, Dự án Tiêm chủng mở rộng – Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã xây dựng hướng dẫn tiêm chủng thường xuyên trong bối cảnh dịch Covid-19 để bảo vệ những thành quả của tiêm chủng và phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ nếu không được tiêm chủng đầy đủ tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Cụ thể, các tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ thấp sẽ thực hiện công tác tiêm chủng thường xuyên, hàng tháng, đảm bảo an toàn tiêm chủng và các biện pháp phòng, chống lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định. Rà soát các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian bị tạm hoãn để thực hiện tiêm bù, tiêm vét.
Với các tỉnh, thành phố nguy cơ cao, có nguy cơ sẽ tạm hoãn triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên và thực hiện quản lý đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ ngay sau khi đủ điều kiện tiếp tục triển khai tiêm chủng thường xuyên. Khi thuộc nhóm nguy cơ thấp các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục triển khai tiêm chủng thường xuyên, giảm thiểu nhất gián đoạn thời gian tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ là nhóm đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Sau công văn trên, ngày 23/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, hiện thành phố đang thuộc nhóm “có nguy cơ” của dịch Covid-19 nên sẽ tiếp tục tạm dừng các hoạt động tiêm chủng cho đến khi có chỉ đạo mới. Trong thời gian tạm dừng, thành phố vẫn bố trí tiêm với các trường hợp cần được tiêm ngay như vắc xin, huyết thanh phòng chống dại, uốn ván… Các đơn vị được phép tiêm chủng phải đảm bảo an toàn và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-9 theo quy định khi thực hiện tiêm chủng.
Liên quan đến vấn đề trên, phân tích chuyên môn của BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ ra: “Các vắc xin sởi, vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 rất quan trọng, đặc biệt là mũi chích đầu tiên. Trên thực tế những trẻ ở các tỉnh thành có nguy cơ cao hoặc nguy cơ với dịch Covid đã trễ việc chích ngừa từ 1 đến 2 tháng. Việc trễ mũi chích ngừa khiến trẻ có nguy cơ bị nhiễm bệnh, tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh quay lại, đe dọa đến những thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng”.
Theo BS Hữu Khanh, trong tình hình hiện tại việc chích ngừa cho nhóm đối tượng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cần có kế hoạch mang tính linh động hơn. Ngành y tế cần chọn những mũi quan trọng ở nhóm cần chích ngừa, ưu tiên cho chích trước. Trong quá trình chích ngừa sẽ yêu cầu các điểm đủ điều kiện tiêm chủng giữa khoảng cách an toàn, thực hiện giãn cách tại chỗ (như đi khám bệnh) cho bệnh nhân theo hướng có thể xếp lịch cụ thể cho từng ca bệnh, hạn chế số lượng ca chích mỗi ngày.
Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nếu không có giải pháp phù hợp cho chích ngừa duy trì tỷ lệ bao phủ của vắc xin đủ để bảo vệ cộng đồng thì một số bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao đặc biệt là bệnh sởi sẽ có nguy cơ gia tăng trở lại.
Vân Sơn