Giảm tê, buốt tay bằng mổ nội soi

(Dân trí) - ThS. Trần Trung Dũng, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội cho biết, hội chứng ống cổ tay gây ra những cơn đau dai dẳng giờ có thể khắc phục bằng phương pháp mổ nội soi đơn giản. Bệnh nhân được xuất viện ngay trong ngày và giảm được tối đa triệu chứng.

Khổ vì tê buốt bàn tay

Đã mấy năm nay, bệnh nhân Hoàng Thị Dung, 53 tuổi, ở Vụ Bản, Nam Định bị hội chứng ống cổ tay hành hạ. Bà không thể cầm nắm bất cứ vật gì, cảm giác đau đớn tăng lên về đêm còn khiến bà không thể ngủ được. Nhất là những hôm thời tiết thay đổi, cơn đau càng hành hạ bà hơn. Ngay cả việc chăm sóc cá nhân như tắm giặt bà cũng không thể tự chăm lo cho mình.

Có bệnh thì vái tứ phương, bà đã đi khám khắp các bệnh viện, sử dụng đủ các loại thuốc đông, tây y... nhưng đau vẫn hoàn đau. Những cơn đau tê buốt bàn tay dai dẳng hành hạ bà, khiến bà ngày càng héo mòn, thấy mình là người vô dụng vì không chăm lo nổi bản thân.

Chị Nguyễn Thị Linh ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng bị hội chứng ống cổ tay hành hạ 4 năm nay. Càng ngày, chứng tê tay càng tăng lên. Trước đây, lúc cảm nhận hơi tê tay, chị chỉ uống thuốc giảm đau là thấy dễ chịu, giờ thuốc giảm đau cũng không mang lại hiệu quả.

Chị đã uống đủ loại thuốc nam, bắc, bài thuốc cổ truyền, rồi châm cứu… nhưng đau vẫn hoàn đau. “Nhiều lúc, ngay cả việc vắt khô chiếc khăn để rửa mặt mà tôi cũng không thể làm nổi vì đau đớn. Cơn đau cứ dai dẳng, tê buốt khiến tôi rất khó chịu”, chị Linh than thở.

Trường hợp của bà Dung ở Nam Định, sau khi tới khám tại Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học y Hà Nội, các bác sĩ xác định bà bị hội chứng ống cổ tay. Do các dây thần kinh ở cổ tay bị chèn ép nặng không có khả năng hồi phục nên bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật bằng phương pháp nội soi.

BS Dũng cho biết, hội chứng ống cổ tay là do dây thần kinh giữa bị chèn ép tại cổ tay, làm đau và yếu bàn tay. Hội chứng này thường gặp ở người trung niên, nữ gặp nhiều hơn nam, gặp nhiều hơn ở một số bệnh lý như đái tháo đường.

Triệu chứng ban đầu của hội chứng này là tê tay. Tình trạng tê tay sẽ ngày càng tăng dần, gây tê ở gan bàn tay, tê ngón tay trỏ và ngón giữa. Nhiều người chỉ thấy tê ở ngón tay trỏ và ngón giữa, nhưng cũng có người cảm thấy tê ở tất cả các ngón tay, ở hai ngón vừa kể thì tê nhiều hơn.

Tuy nhiên, không phải lúc này tay cũng tê buốt mà có lúc, nó ở trạng thái bình thường. Những cơn tê tay thường xuất hiện khi cầm tay lái xe máy đi xa, có người đang đi xe máy phải dừng lại buông tay, nhẹ nhàng xoa bóp rồi mới có thể tiếp tục cầm lái. Có những trường hợp nặng hơn, đang đêm ngủ cũng bị thức dậy do bị tê và đau các ngón tay.

Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó khiến người bệnh rất khổ sở trong sinh hoạt. Nếu không chữa trị, lâu dần sẽ có rối loạn vận động, biểu hiện bằng yếu và teo khối cơ ô mô cái, là khối cơ vốn phồng lên ở gan tay, chỗ dưới của ngón tay cái. Khi quá gấp hoặc quá ưỡn cổ tay thì các triệu chứng tê tay có thể tăng lên.

Nội soi ống cổ tay: giảm đau, ra viện trong ngày

Theo BS Dũng, để điều trị hội chứng ống cổ tay, cơ bản vẫn là điều trị nội khoa, nếu không chuyển biến thì phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Tại BV ĐH Y Hà Nội, lần đầu tiên các bác sĩ đã thực hiện thành công phẫu thuật hội chứng ống cổ tay bằng phương pháp nội soi cho bệnh nhân Dung ở Nam Định. Kỹ thuật này mang lại nhiều ưu điểm cho người bệnh như ít đau đớn, có thể xuất viện trong ngày.

“Để tiến hành nội soi, bác sĩ chỉ cần rạch 2 đường nhỏ dưới ra khoảng 1cm. Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng ống cổ tay, thần kinh giữa qua camera và thực hiện việc cắt mở dây chằng vòng cổ tay qua nội soi dưới hướng dẫn của camera, đảm bảo chính xác tuyệt đối và an toàn”, BS Dũng nói.
 
Được biết, kỹ thuật này đã được thực hiện nhiều nơi trên thế giới và đem lại những kết quả rất tốt và tránh được việc mổ mở phải rạch da dài không cần thiết. Bệnh nhân Dung sau khi mổ buổi sáng, buổi chiều trong ngày bệnh nhân đã được xuất viện.

So với kỹ thuật phẫu thuật mở, phương pháp nội soi đem lại nhiều lợi ích, đó là nằm viện ít ngày, đường rạch cổ tay nhỏ. Còn mổ mở, bệnh nhân phải nằm viện lâu hơn do đường rạch cổ tay rộng và nguy cơ nhiễm khuẩn là rất lớn, mặt khác để lại vết sẹo dài có thể làm mất đi vẻ đẹp của cổ tay.

Sau khi ra viện, một vài ngày là bệnh nhân có thể cử động tốt cổ tay, có thể làm việc, sinh hoạt gần như bình thường. Các triệu chứng chèn ép thần kinh giữa cải thiện nhanh chóng, hậu phẫu ngắn và thẩm mỹ là những ưu điểm vượt trội làm cho phẫu thuật nội soi chiếm ưu thế tuyệt đối so với phẫu thuật mổ mở.

Tuy nhiên, BS Dũng cũng đưa ra lời khuyên, khi có dấu hiệu tê tay, tê gan bàn tay, tê ngón tay trỏ, ngón giữa… người bệnh nên tới bệnh viện khám sớm. Vì càng phát hiện sớm, việc điều trị nội khoa càng mang hiệu quả tốt hơn, sẽ không phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Hồng Hải