1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giảm chi để “đuổi” bệnh nhân về tuyến dưới(!?)

Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi, bổ sung đã đưa ra một số đề xuất mới như không/giảm mức thanh toán với trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến để giảm quá tải cho tuyến trên. Như vậy, một lần nữa, quyền lợi của bệnh nhân (BN) có thẻ BHYT lại bị thu hẹp.

Bệnh nhân BHYT khám chữa bệnh trái tuyến sẽ có thể không được chi trả.

Bệnh nhân BHYT khám chữa bệnh trái tuyến sẽ có thể không được chi trả.

 

Giảm chi trong khi quỹ vẫn kết dư

 

Theo Luật BHYT hiện hành, BN có thẻ BHYT khi khi khám bệnh, chữa bệnh trái tuyến (trừ trường hợp cấp cứu), người có thẻ BHYT chỉ được quỹ BHYT thanh toán mức 70% chi phí đối với bệnh viện (BV) hạng III và chưa xếp hạng; 50% đối với BV hạng II; 30% đối với BV hạng I và hạng đặc biệt.

 

Sau hơn 4 năm thực hiện Luật BHYT, Bộ Y tế cho rằng việc chi trả cho BN BHYT vượt tuyến đã khiến BN vượt tuyến ngày một đông. Nếu năm 2010, số BN vượt tuyến là 3 triệu lượt thì năm 2011 đã tăng lên 9,5 triệu lượt và năm 2012 đã lên tới 11,6 triệu lượt.

 

Việc người bệnh nhẹ cũng đổ lên tuyến trên để khám - chữa bệnh khiến nhiều BV quá tải, BV kỹ thuật cao, nhưng lại phải khám - chữa các bệnh thông thường... Chính lý do này, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất mới trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT: Giảm khoảng 10% mức chi trả cho người khám - chữa bệnh trái tuyến. Bộ Y tế còn mạnh dạn đề xuất Quỹ BHYT chỉ thanh toán một phần đối với trường hợp điều trị nội trú trái tuyến, còn khám - chữa bệnh ngoại trú trái tuyến sẽ không chi trả.

 

Cách đây 4 năm, quy định BN BHYT khi khám - chữa bệnh vượt tuyến được chi trả đã phần nào mở rộng quyền lợi cho BN và đáp ứng nhu cầu được khám - chữa bệnh có chất lượng của người dân. Đến nay, việc siết lại quyền lợi của BN BHYT trái tuyến chỉ bởi lý do các BV tuyến quá tải, thì nhiều ý kiến cho rằng không thỏa đáng.

 

“Móc” tiền túi của người bệnh trái tuyến

 

Đại diện cơ quan BHXH Việt Nam cho rằng phương án hạ mức chi trả của BHYT của BN trái tuyến là hợp lý, vì các BV tuyến dưới không có BN dù đã được đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - nhận định, nếu chỉ giảm 10% thì không có tác dụng giảm tải. Cần phải hiểu rằng người bệnh vượt tuyến là do chưa tin vào chất lượng điều trị ở tuyến dưới. Nhiều đại biểu quốc hội cũng nêu ý kiến: Hiện nay Quỹ BHYT đang kết dư hàng chục nghìn tỉ đồng, thì tại sao không giảm tỉ lệ đóng góp của người dân và nâng cao dịch vụ khám - chữa bệnh?

 

BS Trần Tuấn, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng (Hội Liên hiệp KHKT VN) - cho rằng việc giảm mức chi trả với BN vượt tuyến sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chuyện vượt tuyến. Nhiều năm nay, vì người dân thiếu tin tưởng vào trình độ của cán bộ y tế tuyến dưới, nên dù BHYT không thanh toán thì họ chấp nhận bỏ tiền túi ra để được khám - chữa bệnh ở tuyến trên, với bác sĩ giỏi. Vì vậy, việc giảm chi trả đối với BN BHYT trái tuyến sẽ không có ý nghĩa trong việc giảm tải BV tuyến trên.

 

Theo Đức Anh

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm