Giảm 8kg/tuần nhờ cắt dạ dày
(Dân trí) - Sinh hai đứa con xong, chị Nga (40 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tang cân vù vù lên đến 120kg. Mặc cảm về hình thể của mình, chị không dám đến chỗ làm, nghỉ nhà chăm con. Chưa hết, vì quá tự ti với cơ thể “quá cỡ”, chị còn có dấu hiệu trầm cảm…
Trầm cảm vì béo
Thời con gái, chị Nga vốn tròn trĩnh, nhưng khi lấy chồng, sinh hai đứa con, sau mỗi lần sinh chị lại lên cả 20kg trọng lượng và cân nặng vẫn có xu hướng tăng vù vù. Từ khi nặng đến 80kg, chị phải bỏ việc làm lễ tân vốn tiếp xúc nhiều, chuyển sang công việc khác thầm lặng hơn, ít phải tiếp xúc với khách hàng. Thế nhưng với hình thể quá khổ, chị ngày càng tự ti, ít giao tiếp và đã xin nghỉ ở nhà để chăm con.
Ở nhà một thời gian, cân nặng của chị đã “vọt” lên đến 120kg. Chị bắt đầu có những dấu hiệu về thần kinh, trầm cảm, thu mình lại không giao tiếp, gia đình đã phải đưa chị đi điều trị tâm lý một thời gian tại Viện Sức khỏe tâm thần. Một bệnh nhân khác, nam thanh niên 25 tuổi, cao 1m70 nhưng nặng đến 140kg cũng nhập viện trong tâm trạng buồn chán, mặc cảm vì không đủ tự tin làm quen với các bạn gái. Khi bệnh nhân này đến viện, đứng lên cân, bác sĩ phải “trố” mắt bởi cân trong bệnh viện quay tít, vượt ngưỡng 120kg của cân. Bệnh nhân đỏ mặt tiết lộ, anh nặng 140kg. Theo BS Bùi Thanh Phúc, khoa Phẫu thuật tiêu hóa (BV Việt Đức), với những người có cân nặng “khủng” như thế này rất nguy hiểm, bởi béo phì kéo theo một loạt các bệnh lý nguy hiểm khác như xương khớp, tim mạch, huyết áp, tiểu đường… Vì thế, việc giảm cân với các bệnh nhân này là vô cùng quan trọng, không chỉ về thẩm mỹ, giúp bệnh nhân xuống cân, bớt mặc cảm với hình thể của mình mà còn phòng được các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến béo phì.Giảm 8kg/tuần nhờ cắt dạ dày
BS Phúc, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa (BV Việt Đức) cho biết, bệnh nhân này sau khi khỏi trầm cảm đã đến BV Việt Đức để tư vấn đặt đai dạ dày giảm béo. Sau khi đặt đai dạ dày, chị đã giảm xuống còn 80kg. Nhưng vì không thắng nổi cảm giác thèm ăn, ăn nhiều, chị đã đi nới đai, rồi tháo hẳn đai để ăn uống bình trường. “Đã từng có yếu tố trầm cảm vì béo phì, bản thân lại mang bệnh tiểu đường, béo phì quá rất nguy hiểm nên bệnh nhân đã được tư vấn cắt dạ dày. Sau khi cắt 2/3 dạ dày, cân nặng bệnh nhân xuống tốt, bệnh nhân đã trở lại đi làm bình thường”, BS Phúc cho biết. Còn với bệnh nhân nam trên, anh này đã áp dụng đủ biện pháp, từ ăn kiêng, tập thể dục, uống thuốc giảm béo nhưng giảm cân rất hạn chế, bởi tập thể dục do trọng lượng quá lớn, anh đau xương khớp, không vận động được với cường độ mạnh. Vì thế, anh đã đến BV Việt Đức để tư vấn và được khuyên áp dụng phương pháp cắt dạ dày để điều trị béo phì. Và ngay tuần đầu tiên sau cắt 2/3 dạ dày, trọng lượng cơ thể bệnh nhân đã giảm được 8kg.PGS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, điều trị béo phì có nhiều phương pháp khác nhau, từ ăn kiêng, thuốc giảm cân, tập thể dục, phẫu thuật…
Vậy khi nào cần phẫu thuật điều trị béo phì?
Phương pháp này chỉ được áp dụng khi tất cả phương pháp trên đã thử từ 6 tháng – 1 năm mà bất bại; hoặc với những bệnh nhân béo phì quá khổ (có chỉ số BMI trên mức 40 (với người châu Âu) và trên 35 (với người châu Á) không thể giảm cân được bằng các biện pháp khác hoặc bệnh béo phì đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
“Vì thế, có rất nhiều bệnh nhân đến xin đặt đai, cắt dạ dày với mục đích thẩm mỹ (vì không quá béo, chưa đủ điều kiện phẫu thuật), chúng tôi luôn khuyên người bệnh cần áp dụng các phương pháp đơn giản trước. Chỉ trong trường hợp không thể thành công, quá béo phì, có các bệnh lý đe dọa kèm theo mới thực hiện phương pháp này”, BS Phúc nói.
Hiện tại BV Việt Đức thực hiện song song hai phương pháp đặt đai và cắt dạ dày chữa bép phì. Mục đích là làm cho dạ dày nhỏ đi, không ăn được nhiều cơ thể sẽ lấy năng lượng từ phần mỡ, cân nặng sẽ giảm xuống. Đến nay, đã khoảng 200 bệnh nhân được thực hiện đặt đai dạ dày, 30 bệnh nhân được phẫu thuật. “Tất cả các bệnh nhân này đều có chỉ định rất chặt, bởi đây đây không phải là phương pháp phẫu thuật giảm béo thẩm mỹ thông thường mà mục đích chính là chữa bệnh do tình trạng béo phì nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân. Vì thế, bệnh viện Việt Đức không triển khai đại trà phương pháp này mà chỉ được áp dụng với những bệnh nhân trong nhóm được chỉ định”, BS Giang cho biết.
Người bệnh cũng lưu ý, sau khi cắt dạ dày, người bệnh cũng phải tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn, ăn lượng ít một. Khi cắt dạ dày, cảm giác thèm ăn giảm xuống nhiều bởi cơ chế khi đói, dạ dày tiết ra chất kích thích lên thần kinh trung ương gây cảm giác đói. Cắt dạ dày giảm kích thích chất này, cũng giảm cảm giác đói. Người bệnh tuyệt đối không thể ăn uống, nhậu nhẹt bừa bãi, đề phòng biến chứng giãn dạ dày do ăn uống vô độ. Đây là một biến chứng hay gặp nhất sau cắt dạ dày, với tỉ lệ rất thấp (nghiên cứu trên thế giới chỉ khoảng vài phần trăm) nhưng không thể vì thế chủ quan). |
Hồng Hải