1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giải toả 9 rắc rối cho bà bầu

(Dân trí) - Nôn oẹ, chân nặng nề, da dẻ sần sùi khiến bà bầu thực sự mệt mỏi và mất tự tin. Tuy nhiên, còn nhiều rối loạn khó chịu trong thời kỳ mang thai này…

  

Giải toả 9 rắc rối cho bà bầu - 1


Đau khắp nơi

 

Háng, bẹn, mông, lưng đau do các dây chằng bị kéo căng để chống đỡ sức nặng đang ép vào tử cung và do hoóc-môn progesterol tăng tiết để bôi trơn dây chằng. Các cơn đau ở cạnh sườn có thể xuất hiện do vị trí nằm của thai nhi. Nhũ hoa đặc biệt nhạy cảm (nhất là trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ) dưới tác động của hóc môn HCG.

 

Lời khuyên: Với nhũ hoa, tốt nhất là chọn một chiếc áo ngực phù hợp. Hãy tìm đến các môn thể thao như bơi lội, yoga để kích thích sự vận động của em bé trong bụng và kiểm soát “cơ thể mới” tốt hơn. Nên mát xa thư giãn cơ thể.

 

Nếu tình trạng đau trở nên tồi tệ hơn, hãy đến gặp bác sĩ để được kê paracétamol không gây hại với em bé.

 

Ngứa ngáy

 

Khi da bị giãn căng (như giãn rộng ở vùng bụng), hiện tượng ngứa ngáy xuất hiện. Điều này chẳng có gì là trầm trọng hay bất bình thường cả!

 

Lời khuyên: Đừng gãi liên tục nếu không muốn ngứa ngáy lan rộng. Đắp khăn đã dấp nước lạnh hay xoa kem dưỡng ẩm dành cho bà bầu có thể làm dịu đi những cơn nóng nực khó chịu. Lựa chọn sữa tắm dịu nhẹ và trang phục bằng chất liệu tự nhiên.

 

Nếu tình trạng ngứa lan rộng hơn hay mất đi, hãy đến hỏi ý kiến bác sĩ da liễu.

 

Tiểu dắt

 

Trọng lượng của em bé trong bụng đè nặng lên vùng đáy xương chậu của bạn. Kết quả: Bàng quang bị ép lại và bạn liên tục có cảm giác buồn đi tiểu, thậm chí có thể kèm theo đau buốt.

 

Lời khuyên: Để tránh tiểu dắt, tốt nhất trước khi lên kế hoạch sinh con, hãy tăng cường sức mạnh cho vùng xương chậu bằng những bài tập đơn giản. Năng đi tiểu và tránh nâng vật nặng làm tăng sức ép bên trong.

 

Đau răng

 

Một mặt, dưới tác động của các loại hóc môn trong thời kỳ bầu bí, lợi trở nên nhạy cảm hơn nên bạn dễ có nguy cơ bị viêm lợi. Mặt khác, do chế độ ăn uống bị thay đổi (thường xuyên ăn vặt, ăn nhiều đồ ngọt) nên dễ bị sâu răng “thăm hỏi”.

 

Lời khuyên: Vệ sinh răng miệng sạch sẽ (đánh răng 3 lần/ngày với kem đánh răng chứa flo, lấy cao răng 1 lần/năm). Tuân thủ một chế độ ăn uống cân bằng. Với những dấu hiệu đau răng đầu tiên (chảy máu, sưng lợi), hãy đến gặp bác sĩ nha khoa để được kê đơn thuốc kịp thời!

 

Mụn trứng cá

 

Các hoóc-môn “bầu bí” có thể làm xáo trộn tuyến bã nhờn. Bã nhờn bị tiết ra quá nhiều làm bít lại các lỗ chân lông. Mụn trứng cá ngay lập tức xuất hiện. Đặc biệt, chị em từng bị mụn trứng cá (tuổi dậy thì, thời kỳ thanh niên hay trong lần bầu bí trước ) là những người có nguy cơ cao nhất.

 

Lời khuyên: Hãy bắt đầu bằng những qui tắc nền tảng: chế độ ăn giàu các chất chống ôxy hoá (hoa quả và rau xanh), ít mỡ động vật và đường; rửa sạch mặt trước khi đi ngủ; trang điểm nhẹ nhàng, thoa kem cân bằng da và bảo vệ da khỏi sự xâm hai của ánh nắng mặt trời.

 

Không chạm vào mụn trứng cá để tránh mụn lây lan rộng hơn. Nếu mụn quá nhiều, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu!

 

Chuột rút

 

Chuột rút ở bắp chân, ngón chân thường xuất hiện nhiều vào 3 tháng đầu thai kỳ. Nguyên nhân là do mệt mỏi, stress, magie bị thiếu nên gây ra hiện tượng chuột rút khó chịu.

 

Lời khuyên: Để thoát khỏi tình trạng này một cách nhanh chóng, hãy kéo căng nhất có thể phần cơ bắp bị chuột rút. Bên cạnh đó, hãy theo dõi nguồn cung cấp ma-giê cho cơ thể. Ma-giê có thể được tìm thấy trong nước khoáng, trong chế độ ăn (ngũ cốc thô, trái cây sấy khô, socola đen, chuối…).

 

Táo bón

 

Nhiều nguyên nhân gây táo bón: các cơ quan bị ép lại nhường vị trí cho em bé, hoóc-môn progesteron cản trở chức năng tiêu hoá, ít vận động. Táo bón đặc biệt trầm trọng vào 3 tháng cuối thai kỳ.

 

Lời khuyên: Tăng khẩu phần chất xơ (rau xanh, trái cây, ngũ cốc thô), uống nước nhiều hơn (2 lít nước/ngày, nước ép, súp…), hạn chế các thức ăn khó tiêu hoá, duy trì ít nhất một hình thức vận động cơ thể (chẳng hạn như đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày)...

 

Nếu táo bón không thuyên giảm, có thể đến gặp bác sĩ để xin đơn thuốc nhuận tràng phù hợp cho bà bầu.

 

Trĩ

 

Khi mang thai, lượng máu lưu thông trong cơ thể tăng lên, tử cung phát triển lớn sẽ chèn lên tĩnh mạch làm cản trở quá trình tuần hoàn máu và giãn nở các tĩnh mạch. Do đó, những tĩnh mạch yếu ớt ở hậu môn cũng sẽ bị yếu đi và phình lên. Hơn thế, trong thời kỳ mang thai tổ chức khung chậu cũng rất lỏng lẻo, dễ dàng cho bệnh trĩ phát sinh và trở nên nặng hơn.

 

Lời khuyên: Giảm áp lực đè lên bụng bằng cách: Nếu có thể thì cứ sau vài giờ lại nằm nghiêng qua bên trái. Gác chân cao lên trong khoảng 20 phút cũng giúp ích khá nhiều.

Tránh sử dụng xà bông thơm, sữa tắm hoặc khăn ướt. Rửa sạch hậu môn bằng nước thường sau mỗi lần đi vệ sinh, rồi lau khô. Mặc quần lót cot-ton rộng rãi cũng sẽ giúp bạn thấy dễ chịu. Tránh việc gắng sức rặn khi đi vệ sinh và chứng bệnh táo bón.

 

Nếu chứng trĩ gây ngứa, nên thoa kem làm dịu hoặc chườm đá. Tuyệt đối không ngâm nước nóng, như vậy càng làm tăng lượng máu dẫn tới và gây ngứa ngáy khó chịu thêm. Sau khi sinh, nếu trĩ lòi ra ngoài, có thể lấy tay ấn vào. Sau một thời gian, trĩ sẽ mất đi.

 

Chảy dãi

 

Khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra chứng chảy dãi trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, sau khi sinh nở, hiện tượng này sẽ chấm dứt..

 

Lời khuyên: Thật không may, có rất ít giải pháp giúp giải toả sự khó chịu này. Bạn có thể tránh tất cả các loại thức ăn chứa nhiều axit (chanh, dấm, kiwi…) và nhai kẹo cao su (thủ phạm làm chứng chảy nước dãi nặng nề hơn)

 

Khiết Linh

Theo Topsante