1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giải mã những tiếng động lạ của cơ thể

(Dân trí) - Tiếng cọt kẹt, tiếng ùng ục, tiếng rít, những âm thanh không cố ý này có thể là cách cơ thể báo hiệu có điều gì đó không ổn. Dưới đây là lời giải thích cho những tiếng động “lạ” của cơ thể.

Tiếng “khò khò” khi ngủ

Âm thanh tạo ra do mô mềm của miệng và họng rung lên khi thở. Thuốc xịt và băng dán giữ mũi sẽ giúp ích, nhưng giảm cân còn có ích hơn nhiều.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bắt gặp mình thở hổn hển trong đêm, thức dậy người đầm đìa mồ hôi, hoặc cảm giác buồn ngủ suốt cả ngày. Bạn có thể bị chứng ngừng thở khi ngủ, một chứng bệnh gây cản thở lưu thông không khí và làm tăng nguy cơ tiểu đường và đột quị.

Trong trường hợp này có thể cần dùng máy thở áp lực dương liên tục để giữ cho đường thở luôn thông thoáng vào ban đêm. Nếu bạn khỏe và không bị chứng ngừng thở khi ngủ, các lựa chọn bao gồm đặt cột chống (một thủ thuật thực hiện tại cơ sở y tế) hoặc phẫu thuật để tạo hình lại đường thở.

Tiếng “cọt kẹt” ở đầu
gối và cổ chân

Tiếng “cọt kẹt” ở đầu gối và cổ chân

Những âm thanh này thường là hệ quả của một trong ba tình trạng sau: Gân ở khớp bị giãn, dịch khớp thay đổi làm nổ các bọt khí, hoặc khớp bị trượt nhẹ khỏi trục khi cử động.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau, sưng hoặc cứng khớp, hoặc nếu triệu chứng khiến bạn phải hạn chế hoạt động thể thao hoặc tập luyện. Đau khớp gối có thể bắt nguồn từ rách sụn, còn đau khớp cổ chân có thể là do viêm khớp hoặc tổn thương gân.

Tiếng cọt kẹt này ít gặp hơn ở người trẻ, nhưng nếu hay gặp phải thì tiên lượng là nó sẽ xảy ra thường xuyên hơn khi bạn già đi.

Tiếng “ùng ục” ở dạ dày

Đó là tiếng ruột của bạn đẩy nước ra ngoài. Giữa các bữa ăn, đường tiêu hóa sẽ diễn ra một loạt những cơn co mạnh, thường tạo ra tiếng ồn khoảng một hai giờ một lần để tống đi những mảnh thức ăn còn lại. Những tiếng “ùng ục” này không phải là tín hiệu đã đến giờ ăn vặt. Trừ phi bạn quá đói, còn thì hãy chờ đến bữa.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu sự “náo loạn” của ruột này đi kèm với đau và chướng bụng, nhất là nếu bạn nghe thấy tiếng óc ách khi ấn vào bụng.

Trong một số ít trường hợp, đường ruột của bạn có thể co bóp quá nhiều hoặc quá ít, hoặc có vật cản gây tắc ruột có thể phải mổ cấp cứu.

Tiếng “lục cục” ở
xương hàm

Tiếng “lục cục” ở xương hàm

Nếu tiếng động này khá to và sắc, thì có khả năng khớp thái dương hàm dưới - phần bản lề và/hoặc sụn của hàm trên và dưới - có thể bị lệch ra khỏi trục bình thường. Nhưng tình trạng này không phải lúc nào cũng nguy hiểm.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu hàm bị cứng hoặc không thể há hay ngậm miệng được. Nếu bạn hay nghiến răng khi ngủ, hãy thử dùng dụng cụ bảo vệ miệng hoặc nẹp hàm để hạn chế nghiến răng, có thể khiến khớp bị tổn thương và đau.

Nhìn chung, nếu gặp những vấn đề này, hãy làm như hồi còn nhỏ: Tránh kẹo dẻo và những thức ăn dai phải nhai nhiều.

Tiếng rít nhẹ qua mũi

Nguyên nhân là do không khi đi qua một chỗ quá hẹp ở mũi. Có thể bạn chỉ bị tắc mũi và xì mũi sẽ giúp ích, còn nếu không, hãy đợi đến khi tình trạng ngạt mũi giảm đi, hoặc thử dùng nước muối để rửa mũi hoặc dung dịch xịt mũi có corticoid.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu tiếng rít này bắt đầu ngay sau khi bạn bị thương. Bị đấm vào mặt hoặc bị va mạnh vào mũi có thể khiến vách mũi – phần ngăn giữa hai bên mũi - bị thủng và có thể phải mổ. Bác sĩ sẽ sử dụng sụn lấy từ một nơi khác – như tai - để vá lại chỗ thủng.

Tiếng “vo ve” trong tai

Tiếng vo ve hoặc ong ong trong tai bắt đầu và hết rất nhanh được gọi là ù tai. Nhưng âm thanh này thực ra bắt nguồn ở đầu; bộ não “đọc sai” các tín hiệu điện giả mạo thành âm thanh. Tác nhân gây ra có thể là tổn thương tai trong, vì thế hãy sử dụng nút tai khi phải tiếp xúc với tiếng ồn lớn.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu ù tai diễn ra liên tục và chỉ ở một bên tai. Điều này có thể là dâu hiệu của nhiễm trùng hoặc rối loạn tai trong. Tuy nhiên, đa số các trường hợp ù tai không có nguyên nhân và do đó thường không có cách chữa khỏi. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn cách để sống chung với tiếng ồn.

Cẩm Tú

Theo MSN