"Giải cứu" chứng bệnh móng chân quặp

(Dân trí) - Khi phần rìa của móng chân đâm sâu vào phần da, gây sưng, đỏ và đau khi chạm vào, bạn đã bị chứng móng chân quặp (móng mọc ngược, móng quặp thịt). Ngoài các nguyên nhân khách quan như chân nhiều mồ hôi, hình dáng tự nhiên của móng, phần lớn thủ phạm là từ thói quen cắt móng chân của bạn.

"Giải cứu" chứng bệnh móng chân quặp - 1

Biểu hiện

Ngón chân cái thường bị hội chứng này nhiều nhất, bị một bên hoặc cả 2 bên. Các triệu chứng khác gồm:

- đau khi ấn vào ngón chân

- viêm da vùng móng chân chọc vào

- chảy dịch ở quanh ngón chân

- da phát triển nhanh quanh móng

- chảy máu

- mủ trắng hoặc vàng xuất hiện quanh vùng móng quặp

Khi nào đến gặp bác sĩ?

Gặp bác sĩ nếu móng chân quặp bắt đầu viêm, chảy máu hay chảy mủ vì đó là dấu hiệu của viêm nhiễm.

Nguyên nhân gây móng quặp

"Giải cứu" chứng bệnh móng chân quặp - 2

- Cắt móng chân không đúng: Cắt móng chân quá sâu hoặc không cắt tròn móng sẽ khuyến khích da phủ lên móng và móng chọc vào da

- Đi giày, tất chật: điều này sẽ tạo áp lực lên da xung quanh ngón chân, da có thể đâm thủng nếu nó bị ép vào móng chân

- Chân nhiều mồ hôi: Nếu da quanh ngón chân mềm, móng sẽ dễ dàng chọc thủng

- Bị chấn thương: ví dụ như nếu bị vấp chân, móng sẽ bị mọc quặp

- Hình dáng tự nhiên của móng: Những cạnh của móng vốn đã cong nên sẽ có xu hướng chọc vào vùng da xung quanh

- Nấm móng cũng có thể khiến móng chân dày và mọc bè ra.

Điều trị móng quặp

"Giải cứu" chứng bệnh móng chân quặp - 3

Theo hướng dẫn của Mayoclinic và Dịch vụ Y tế Anh NHS:

- Ngâm chân vào nước ấm 15-20 phút/ lần, thực hiện 3 - 4 lần/ngày. Ngâm chân sẽ giúp giảm sưng và giảm đau.

- Lấy sạch mủ bằng bông (trước khi lấy mủ nên thoa dầu ôliu để làm mềm da)

- Đặt 1 miếng bông hay chỉ nha khoa ở dưới ngón chân quặp. Sau đó mỗi lần ngâm, hãy thay miếng bông hay sợi chỉ nha khoa mới. Điều này sẽ giúp cho móng mọc hướng lên trên, không chọc vào da.

- Bôi kem kháng sinh: Bôi thuốc mỡ đặc trị vào vùng da bị sưng đau và băng lại.

- Chọn giày phù hợp: Cân nhắc mang giày hở ngón hay xăng-đan cho đến khi chân về bình thường.

- Dùng thuốc giảm đau. Các loại thuốc giảm đau không kê toa như acetaminophen (Tylenol), ibuprofen (Advil, Motrin IB) and naproxen sodium (Aleve) có thể giúp giảm tình trạng đau ở ngón chân.

Phẫu thuật sẽ là giải pháp cuối cùng và khi đó sẽ cắt toàn bộ hay một phần móng.

Ngăn ngừa móng chân quặp

Theo Mayoclinic, chăm sóc bàn chân đúng cách sẽ giúp ngăn ngừa các vấn đề ở chân, trong đó có móng chân:

"Giải cứu" chứng bệnh móng chân quặp - 4

Điều quan trọng nhất là bạn cắt móng chân đúng cách: cắt thẳng, không cắt khóe móng, không cắt sâu, gây lộ thịt móng.

Rửa chân mỗi ngày, lau khô và dùng kem dưỡng ẩm chân. Bạn cũng có thể dùng đá bọt để tẩy da chết ở chân.

Đi giày vừa chân sẽ giúp chân luôn khỏe mạnh.

Nên thay tất mỗi ngày.

Nhân Hà