Gia tăng mổ đẻ, nguy cơ nhiều biến chứng

Tú Anh

(Dân trí) - PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, mỗi năm tại viện có khoảng 21.000 ca đẻ, trong đó hơn một nửa là đẻ mổ, tỉ lệ đẻ mổ tăng dần theo các năm.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỉ lệ mổ đẻ tại viện cao vì đây là tuyến cuối, chủ yếu do bệnh lý của mẹ hoặc thai nhi, ở nhiều nơi chuyển về. Ngoài ra, tình trạng chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu cũng tăng cao. Nhiều gia đình mong muốn sinh con theo giờ, theo ngày đã được lựa chọn trước.

Gia tăng mổ đẻ, nguy cơ nhiều biến chứng - 1

Một ca đẻ thường tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Ảnh minh họa: Hồng Hải).

Chuyên gia này cho biết, việc tư vấn đề sản phụ lựa chọn một phương pháp (mổ đẻ hay đẻ thường) là do cán bộ y tế, chứ không phải do gia đình lựa chọn. Tuy nhiên, số ca mổ lấy thai vẫn tiếp tục tăng lên, kéo theo sự gia tăng của biến chứng mổ đẻ.

Trong khi đó, mổ lấy thai cũng có nhiều biến chứng hơn đẻ thường (có thể chảy máu rất nhiều do gây mê, nhiễm trùng vết mổ…). Đồng thời, nếu mổ lấy thai con thứ nhất thì đương nhiên khi sinh các con sau cũng sẽ phải thực hiện mổ lấy thai bởi vì tử cung có sẹo rồi thì tỷ lệ mổ tăng rất cao.

Ngoài ra, có một biến chứng rất hay gặp khác, đó là chửa lên trên sẹo mổ.

"Đặc biệt một biến chứng cực kỳ nặng nề mà chúng ta gặp tỉ lệ rất lớn, đó là rau cài răng lược. Bánh rau bám bất thường vào sẹo tử cung gây ra chảy máu trầm trọng. Vì vậy nên cân nhắc chỉ định mổ một cách hợp lý", PGS Cường khuyến cáo.

Hiện nay, xu hướng mổ lấy thai ở thành phố lớn hơn vùng nông thôn. PGS nhấn mạnh: "Việc sinh nở tự nhiên tốt cho cả bà mẹ và thai nhi".

Chiều 24/2, nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến thăm, chúc mừng tập thể y bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Gia tăng mổ đẻ, nguy cơ nhiều biến chứng - 2

Ông Đinh Tiến Dũng thăm các bé tại Trung tâm Sơ sinh (Ảnh: Bệnh viện).

PGS.TS Trần Danh Cường - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện cho biết, mặc dù trải qua 2 năm đại dịch khó khăn và biến động, bệnh viện vẫn đảm bảo cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ nhân dân, đảm bảo chăm lo đời sống, môi trường làm việc dân chủ, thân thiện cho cán bộ viên chức người lao động bệnh viện. 

Tại lễ kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam diễn ra chiều 23/2, Bệnh viện Phụ sản Trung ương vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Gia tăng mổ đẻ, nguy cơ nhiều biến chứng - 3

Ngoài ra, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện; tập thể khoa Dược và khoa Khám bệnh của bệnh viện nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Ba bác sĩ của bệnh viện được nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; 1 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 13 tập thể và 47 cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.