1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gia tăng điếc do ngộ độc thuốc

(Dân trí) - TS Lương Hồng Châu, Trưởng Khoa Tai thần kinh, BV Tai Mũi Họng TƯ cho biết: tình trạng điếc do ngộ độc thuốc ngày càng gia tăng. Khi đã bị điếc do ngộ độc thuốc thì không thể hồi phục được chức năng nghe.

Theo BS Châu, tình trạng điếc do ngộ độc thuốc xảy ra rất nhiều, hầu như tháng nào khoa Tai thần kinh cũng tiếp nhận một vài trường hợp bị điếc do ngộ độc thuốc.

 

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này. Ngoài việc bệnh nhân khi bị đau nhức tai, chảy nước, mủ đã tự ý mua thuốc dùng sai chỉ định, điếc do ngộ độc thuốc cũng có nguyên nhân do các bác sĩ kê đơn thuốc không đúng chỉ định. “Điều này rất hay xảy ra ở các cơ sở y tế tuyến dưới, thậm chí ngay cả bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cũng có thể nhầm lẫn, cho bệnh nhân sử dụng những loại thuốc cấm chỉ định càng làm gia tăng tình trạng điếc do ngộ độc thuốc”, BS Châu cảnh báo.

 

Với bệnh nhân là người lớn, khi dùng thuốc sai chỉ định, sau khi dùng thuốc một vài ngày người bệnh thường có dấu hiệu ù tai, chóng mặt, tai nghe kém hẳn đi mà không hề biết nguyên nhân do đâu. Nếu người bệnh dừng uống, nhỏ thuốc ngay khi có dấu hiệu này thì sẽ không bị điếc, tình trạng ù tai có thể được khắc phục sau đó. Còn nếu không dừng uống thuốc kịp thời thì sẽ bị điếc vĩnh viễn, không thể hồi phục được.

 

Một số thuốc dùng sai chỉ định dẫn đến điếc phải kể đến là Streptomycin, Gentanycin, Kanamycine; 1 số thuốc điều trị sốt rét; các thuốc nhỏ tai đã được cấm dùng khi màng nhĩ  thủng, như thuốc Polydexa của Pháp.

 

Trên thị trường thuốc hiện nay có những loại chỉ được dùng khi màng nhĩ không bị thủng. Theo BS Châu, có rất nhiều thuốc của Việt Nam và của nước ngoài có tên gần giống nhau nhau khiến người bệnh rất khó phân biệt. Điển hình là việc nhầm lẫn loại thuốc Polydexa này với loại thuốc Collydexa của Việt Nam.

 

Polydexa được chỉ định dùng cho bệnh nhân không bị thủng màng nhĩ, như dùng trong trường hợp bệnh nhân bị viêm tai, viêm tai giữa cấp tính nhưng màng nhĩ còn nguyên vẹn, chưa bị thủng. Nếu dùng loại thuốc này cho bệnh nhân viêm tai giữa đã thủng màng nhĩ thì tỷ lệ biến chứng điếc rất cao và bệnh sẽ không thể hồi phục được. Còn Collydexa của Việt Nam sản xuất lại có thể dùng cho những trường hợp bị thủng màng nhĩ.

 

“Đây là hai thuốc khác hẳn nhau trong chỉ định điều trị, thế nhưng, trong nhiều trường hợp, khi bác sĩ kê đơn là thuốc Collydexa, bệnh nhân ra hiệu thuốc mua lại được bán cho thuốc Polydexa. Nhiều bệnh nhân nhầm lẫn hai loại thuốc này, tâm niệm dùng đồ ngoại tốt hơn đồ nội, lại không được dược sỹ hướng dẫn rõ ràng nên dễ xảy ra tình trạng dùng nhầm thuốc dẫn đến bị điếc vĩnh viễn”, BS Châu nhấn mạnh.

 

Tốt nhất khi có những dấu hiệu của viêm tai (như đau tai, chảy mủ tai), người bệnh hãy tới bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám và chỉ định cách điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc do dùng thuốc không đúng chỉ định gây nên.

 

Hồng Hải