TPHCM:

Gia tăng bệnh viêm phổi ở trẻ em là do ô nhiễm không khí

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây do TS. BS Lê Trường Giang làm chủ nhiệm đã đưa ra kết luận: Khi nồng độ ô nhiễm không khí tăng lên sẽ kéo theo sự gia tăng trẻ em dưới 5 tuổi bị viêm phổi phải nhập viện.

Gia tăng bệnh viêm phổi ở trẻ em là do ô nhiễm không khí - 1

Trẻ nhỏ phải bịt mũi vì...
Người dân TPHCM hiện nay đang phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn. Lâu nay, người ta vẫn nhắc đến sự liên quan giữa ô nhiễm bụi và những căn bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, theo TS.BS Lê Trường Giang, điều này chỉ là căn cứ trên y văn thế giới hoặc dựa vào đánh giá cảm tính chứ chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam chứng minh mối liên hệ này. Viện nghiên cứu tác động sức khỏe Hoa Kỳ (HEI) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã hỗ trợ một nhóm nhà khoa học thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động ô nhiễm không khí lên tình trạng viêm cấp đường hô hấp dưới (ALRI) ở trẻ em dưới 5 tuổi tại TPHCM.

 

Gia tăng bệnh viêm phổi ở trẻ em là do ô nhiễm không khí - 2

... đường quá bụi (đường Nguyễn Cửu Vân, P.17, Q.Bình Thạnh, TPHCM)




Kết quả nghiên cứu cho thấy, thủ phạm của ô nhiễm không khí, theo đánh giá của TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường TPHCM là ở hạt bụi, nhất là các loại bụi mịn PM10. Kết quả quan trắc tự động cho thấy nồng độ bụi tổng và bụi khí PM10 đều rất cao và vượt tiêu chuẩn cho phép ở cả khu vực ven đường và khu dân cư. Ngoài ra, chất NO2 và Benzen vượt tiêu chuẩn cho phép, chất Toluen có xu hướng gia tăng.

 

Dựa vào tiêu chí này, các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự gia tăng phần trăm ca bệnh nhập viện do nhiễm trùng hô hấp cấp tính (ALRI), viêm phổi - cúm và viêm tiểu phế quản tương ứng với tăng 10 µg/m3 nồng độ bụi PM10 (kích thước hạt bụi bé hơn 10 micron) trung bình trong 0 - 5 ngày trước nhập viện. Trẻ em nhập viện do viêm phổi và viêm phế quản, 2 dạng bệnh hiểm nghèo nhất trong các chứng viêm đường hô hấp dưới, có xu hướng chiếm tỷ lệ lớn trong các chứng bệnh ALRI.

 

Tuy nhiên,  vào mùa mưa, vẫn có khoảng 60% trẻ em nhập viện vì bệnh hô hấp cấp tính dù nồng độ ô nhiễm không khí vào mùa khô bao giờ cũng cao hơn mùa mưa. Điều này khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ là có một yếu tố tác động mạnh mẽ hơn cả bụi. BS Huỳnh Tấn Tiến, Giám đốc trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TPHCM cho rằng vào mùa mưa, vi sinh vật phát triển nhiều, nhất là ở những nơi có ao tù, nước đọng làm tăng bệnh nhiễm trùng hô hấp.
 
Số liệu quan trắc không khí cho thấy nồng độ bụi PM10 trong khu dân cư trung bình năm từ 2003 - 2007 trong khoảng 64,28 – 79,74 µg/m3, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,29 – 1,59 lần.
 
Nồng độ bụi PM10 ở khu vực ven đường vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,3 – 1,6 lần.
 
Từ tháng 6/2005, nồng độ Pb khu vực ven đường có tăng lên do sự gia tăng lượng xe máy với chất lượng xăng dầu không đảm bảo. Nồng độ ozone giảm trong mùa khô và tăng trong mùa mưa.
 
Trong khi đó, nồng độ bụi tổng đo ở 6 trạm từ 2000 - 2007, dao động trong khoảng 0,31 – 2,69 mg/m3, vượt tiêu chuẩn cho phép (0,3 mg/m3).
 

Hiếu Hiền