Gia đình xin bác sĩ cho con về vì bệnh quá nặng, bác sĩ quyết tâm cứu sống
(Dân trí) - Nam thanh niên bị tai nạn giao thông nặng, diễn tiến xấu, người thân xin đưa bệnh nhân về nhà. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn kiên quyết giữ lại và cứu sống bệnh nhân.
Ngày 28/4, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện vừa điều trị thành công một trường hợp viêm phổi- suy hô hấp cấp rất nặng tưởng chừng không thể qua khỏi.
Trước đó, lúc 20 giờ ngày 29/3/2020, bệnh nhân nam Phạm Hồng Hoàng D (23 tuổi), quê Vĩnh Long được đưa đến Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ trong tình trạng đau và chảy máu 1/3 giữa cẳng chân trái do tai nạn giao thông.
Sau 15 giờ nhập viện, bệnh nhân đột ngột có triệu chứng sốt 380C, suy hô hấp. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên khoa với chẩn đoán: viêm phổi nặng /viêm phổi mô kẽ /gãy hở xương cẳng chân (T). Bệnh nhân tiếp tục tiến triển suy hô hấp nặng hơn kèm ho ra máu, tiên lượng rất nặng nên được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc điều trị chuyên sâu.
Kết quả chụp X-quang phổi thâm nhiễm 2 bên, xét nghiệm chỉ điểm nhiễm trùng không tăng, cấy đờm âm tính, cấy máu âm tính, cấy vết thương âm tính, chụp cắt lớp vi tính ngực loại trừ thuyên tắc phổi và ghi nhận viêm phổi mô kẽ diễn tiến nhanh. Bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ nhiễm Covid 19, tuy nhiên do tình trạng suy hô hấp diễn tiến rất nhanh nên bệnh nhân được xét nghiệm Covid 19, kết quả âm tính.
Bệnh nhân được can thiệp đặt nội khí quản và thở máy với chiến lược huy động phế nang và bảo vệ phổi, kết hợp điều trị kháng sinh phổ rộng theo kinh nghiệm, cân bằng nước điện giải kiềm toan, an thần, giãn cơ, dinh dưỡng….
Trong suốt 10 ngày tiếp theo được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực- Chống độc, bệnh nhân phải thở máy, tình trạng oxy hoá máu cải thiện chậm, sử dụng kháng sinh, nhưng tình trạng không cải thiện, bệnh nhân vẫn sốt cao. Gia đình quyết định xin ngừng điều trị, đưa bệnh nhân về. Tuy nhiên, các bác sĩ đã động viên gia đình tiếp tục điều trị tới cùng với tinh thần “còn nước còn tát”.
Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh theo hướng viêm phổi thở máy phổ rộng, tiếp tục thở máy, phổi bắt đầu bớt thâm nhiễm, sốt bắt đầu giảm và bệnh nhân hết sốt sau 2 tuần.
Ngày 22/4, bệnh nhân được rút nội khí quản, thở oxy sau đó ngưng thở oxy. Đến sáng 28/4, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, thở đều, hết sốt, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân đã vượt qua nguy kịch.
Phạm Tâm