Ghép tế bào gốc tự thân: Chi phí hết 41 triệu, người bệnh còn... không tin

Hồng Hải

(Dân trí) - TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng, Giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu, BV Bạch Mai cho biết, có bệnh nhân ghép tế bào gốc tự thân ra viện, phải thanh toán 41 triệu, trong khi ở các nước là tiền tỷ.

Sáng 17/10, chia sẻ bên lề lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Huyết học và Truyền máu và hội nghị khoa học, Bệnh viện Bạch Mai, TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng, Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu cho biết, đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 120 ca ghép tế bào gốc tự thân.

Ghép tế bào gốc tự thân: Chi phí hết 41 triệu, người bệnh còn... không tin - 1

TS.BS Nguyễn Tuấn Tùng, Giám đốc Trung tâm Huyết học và Truyền máu cho biết, nhiều bệnh nhân ghép tế bào gốc tự thân có chất lượng cuộc sống tốt, giá thành điều trị rẻ (Ảnh: Hồng Hải).

"Bệnh nhân sau ghép có chất lượng cuộc sống tốt. Có bệnh nhân ghép năm 2002, khi mới 21 tuổi, giờ đã có vợ, sinh con, họ được trở về cuộc sống bình thường, được làm việc, sinh hoạt, thể dục thể thao như người thường.

Đặc biệt, chi phí ghép tế bào gốc tự thân ở Việt Nam rất rẻ. Có bệnh nhân sau ghép ra viện, trừ đi các khoản BHYT đã thanh toán, còn phải đóng 41 triệu đồng, người bệnh còn... không tin. Trong khi đó, giá thành này ở Singapore khoảng 4-6 tỷ; ở Đài Loan từ 2,5-5 tỷ", TS Tùng nói.

Ghép tế bào gốc tự thân: Chi phí hết 41 triệu, người bệnh còn... không tin - 2

Bệnh nhân được ghép tế bào gốc tự thân tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Theo chuyên gia này, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã làm chủ được phương pháp ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh huyết học, như kỹ thuật ghép tế bào gốc hai lần liên tiếp, ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân...

Chia sẻ về những tiến bộ trong điều trị bệnh lý về huyết học và ung thư máu, TS Tùng cho biết, điều trị ung thư máu chủ yếu bằng các phương pháp như là xạ trị, hóa trị, điều trị nhắm đích ghép tế bào gốc.

Tuy nhiên, hiện nay xu hướng điều trị trên thế giới đang phát triển là phương pháp gen trị liệu.

"Sử dụng đoạn gen để chỉnh sửa gen, sử dụng các đoạn phân tử nhỏ đưa vào cơ thể để "tắt gen" - nghĩa là sẽ khiến các gen gây bệnh ngừng phát triển. Khoảng 1 năm trở lại đây, phương pháp này đang phát triển rất mạnh mẽ và được đánh giá là phương pháp điều trị tiềm năng trong tương lai", TS Tùng thông tin.

Đến nay, tại một số quốc gia trên thế giới đã áp dụng gen trị liệu điều trị một số bệnh huyết học đã được FDA của Mỹ phê duyệt khá nhiều.

"Đây là một tiến bộ mới trong điều trị, tuy nhiên giá thành còn cao. Tôi hy vọng sớm nhất Việt Nam sẽ ứng dụng gen trị liệu để bệnh nhân tiếp cận được phương pháp điều trị hiện đại, giảm giá thành điều trị", TS Tùng nói.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, huyết học và truyền máu là một trong những chuyên ngành khó, bệnh lý nặng và phức tạp nhưng luôn có những cơ hội tốt để trở thành tiên phong trong việc triển khai áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề nghị Trung tâm Huyết học và Truyền máu tiếp tục phát huy truyền thống các thế hệ đoàn kết, phối hợp cùng các đơn vị trong bệnh viện trong sự nghiệp phát triển chung, lấy người bệnh là trung tâm để được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng tốt nhất, thuận lợi nhất.

"Đồng thời phát triển ứng dụng các kỹ thuật cao, chuyên sâu, tiếp cận với dịch vụ các nước phát triển trên thế giới: Sử dụng liệu pháp tế bào trị liệu, các thuốc nhắm đích mới, ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý tự miễn,… Triển khai các kỹ thuật xét nghiệm di truyền, sinh học phân tử...", PGS Cơ nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm