Gây hại con trẻ vì tin vào bài thuốc dân gian

Tin vào bài thuốc dân gian, bà ngoại dùng chanh vắt vào miệng cháu khiến cháu bị sặc, tím tái, suýt chết, phải đặt nội khí quản mới vượt qua.

“Thuốc này chỉ hạ sốt thôi mà bác sĩ (BS), con tôi đang đau lắm chứ làm gì có sốt, sao BS lại cho cháu uống Panadol!”. Người mẹ cãi tay đôi với BS cho đến khi bà được nghe giải thích tường tận về tác dụng của thuốc Panadol thì mới đồng ý cho con uống.

Đó là một trong những khó khăn mà BS thường xuyên gặp khi điều trị cho bệnh nhân nhưng lại không nhận được sự hợp tác từ người nhà bệnh nhân. Nhưng nghiêm trọng hơn, có gia đình tin vào những biện pháp dân gian đã khiến BS khổ sở để giành giật lại mạng sống của bệnh nhân.

Cháu thiếu máu, bà vắt chanh vào miệng

Mới đây nhất, tại BV ĐH Y Dược TP.HCM, BS khoa Nhi gặp phải một trận tá hỏa khi tiếp nhận trường hợp bệnh nhi hai tuổi nhập viện do thiếu máu. Trong thời gian chờ xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân thiếu máu, bệnh nhi được nằm theo dõi tại bệnh viện trong tình trạng khò khè, phải dùng kháng sinh theo dõi và khá ổn định.

Tuy nhiên, trong lúc mẹ bệnh nhi đi vệ sinh, bà ngoại đã dùng chanh vắt vào miệng của bệnh nhi khiến cháu bé bị sặc, tím tái, khó thở, phải đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

Theo các BS, do chanh rất chua và gây kích ứng nên khi vắt vào miệng đã kích thích đóng đường khí quản lại. Nếu không cấp cứu kịp thời, đặt nội khí quản cho bệnh nhi thì rất có thể BS đã không thể cứu cháu bé trong trường hợp này.

Các BS hỏi chuyện gia đình thì mới biết bà ngoại bé cho rằng ngày xưa nuôi con nhỏ, các con bị khò khè đều dùng biện pháp vắt chanh vào miệng cả. “Đứa nào cũng khỏi rồi lớn lên khỏe mạnh nên bây giờ tôi mới áp dụng” - bà ngoại bé cho biết.


Bệnh nhân được bà nội đắp lá trầu không lên người gây bỏng nặng. Ảnh: HPX

Bệnh nhân được bà nội đắp lá trầu không lên người gây bỏng nặng. Ảnh: HPX

Theo BS Nguyễn Thanh Sang, BV ĐH Y Dược TP.HCM, không chỉ trường hợp trên, các BS còn đau đầu hơn khi liên tiếp gặp phải những “thầy thuốc dân gian” kiểu như vậy.

“Vừa rồi có trường hợp bệnh nhi bị viêm tai giữa nhập viện, bé bị viêm mũi dị ứng. Mà đối với viêm mũi thì cách duy nhất là tự vệ sinh đường mũi. Nhưng do các bé còn nhỏ, mẹ không làm được thì chỉ có cách giữ ấm, đeo khẩu trang cho các con. Thế nhưng người mẹ lại nghe lời “dân gian” cho con uống thuốc Nam, thuốc Bắc khắp nơi khiến bé phải nhập viện do hai bên thận đều phù lên” - BS Sang nói.

Nhỏ sữa vào tai gây nhiễm trùng

Các BS kể thậm chí có người còn cho sữa vào tai con. Trường hợp này rất nặng, đầu tiên người mẹ đưa bé đến khám tại BV ĐH Y Dược vì con nhức đầu, viêm tai giữa. Bệnh nhân lúc đầu còn nhẹ nên được BS cho thuốc và về nhà, hẹn hai ngày sau tái khám.

“Sau khi đưa con về, người mẹ thấy mủ trắng chảy ra từ tai con. Người mẹ không đưa con đi gặp BS mà lại “hỏi BS google” rồi bắt chước ai đó bày vẽ, bà lấy sữa nhỏ vào tai con mình. Việc làm này khiến bé hôn mê, sốt cao, lơ mơ, không tiếp xúc và phải chuyển đi cấp cứu. Hiện bệnh nhi vẫn đang được điều trị tại khoa Tai Mũi Họng BV ĐH Y Dược” - BS Nguyễn Thanh Sang kể.

Ngao ngán với những trường hợp tương tự, BS Nguyễn Thanh Sang cho rằng những biện pháp dân gian xưa nay tồn tại tới bây giờ là vì có những biện pháp chưa gây ra hậu quả gì nên vẫn được các bà mẹ cho là hay và truyền tai nhau. Tuy nhiên, đến khi biện pháp sai lệch, gây hậu quả thì họ lại giấu đi và không dám công bố khiến sự lệch lạc trong điều trị vẫn tiếp diễn.

Không nên tự áp dụng cách chữa dân gian

Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp xúc và làm việc với các trẻ ở lứa tuổi nhi, tôi đã gặp không ít trường hợp tương tự, đa phần là do các bà, các mẹ cả tin và không đủ kiến thức. Để tránh tối đa những trường hợp con trẻ nhập viện vì nguyên nhân không đâu như trên, các BS khuyến cáo mọi người nên có cái nhìn đúng đắn về phương pháp dân gian. Tốt nhất là khi trẻ bị ốm, nhất là trẻ dưới hai tuổi, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để kiểm tra. Bà con không nên tự ý áp dụng các phương pháp không rõ nguồn gốc, dễ gây hại cho con.

BS NGUYỄN THANH SANG, BV ĐH Y Dược TP.HCM

Theo Hải Âu

Pháp luật TPHCM