An Giang:
Gặp “bác sĩ” cứu người bị rắn cắn bằng thuốc nam
(Dân trí) - Mỗi “bác sĩ” có cách cứu người bị rắn độc cắn khác nhau. Nhưng hai “bác sĩ” này có những điểm chung là: không lấy tiền người bệnh và không sử dụng dao, kéo, thuốc tây,… mà chỉ dùng những cây thuốc nam,… cứu người.
“Thần y” áo vải
Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/02, PV Dân trí về vùng Bảy Núi An Giang tìm gặp hai bậc thầy thuốc rắn đại tài là ông Chau Phonl (ở ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, An Giang) có biệt danh ông thầy thuốc rắn lưỡi đen và sư Chau Sóc Kol (chùa Nam Quy thuộc xã Châu Lăng, Tri Tôn, An Giang). Hai thầy thuốc rắn này được người dân gọi là “thần y” vì thời gian qua họ đã cứu sống cho nhiều người dân địa phương và cả nước bạn Campuchia không may bị rắn độc cắn.
Vị đầu tiên chúng tôi gặp là ông Chau Phonl. Ông Phol năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng sức khoẻ vẫn còn tốt. Bằng chất nông dân giản dị, ông Phol trò chuyện với chúng tôi một cách vui vẻ. Ông Phonl cho biết: “Tôi bắt đầu “nhận bệnh” cách nay đã hơn 30 năm. Khi đến với nghề này, vui nhất là giúp được người dân sống sót khi họ không may bị rắn độc cắn.”
Ông Phonl phân tích, đa số bà con ở nông thôn, cạnh núi rừng nên từ nơi ăn, chốn ở đến việc cày cấy, trồng trọt,…ở mảnh đất Thất Sơn này hầu như bà con phải biết “đấu tranh” với các thú dữ để sinh tồn và một trong những con thu dữ ác ôn, khó tránh nhất là các loài rắn độc. Theo ông Phonl cho biết, trên 200 bệnh nhân đã từng được ông cứu sống do bị rắn độc cắn, chủ yếu là các loài rắn, như: rắn hổ chuối, chàm quạp,...
Từ bài thuốc nam và cái lưỡi lạ kỳ của mình hơn 30 năm qua, ông Phonl cứu sống hàng trăm người dân khi bị rắn độc cắn
Khi bệnh nhân được đến, việc đầu tiên là ông Phonl nhìn vào vết thương để xác định loại rắn nào cắn, sau đó ông dùng cái miệng ngậm vào vết thương, hút chất độc. Bước tiếp theo, ông Phonl ra “vườn thuốc nam” gia đình (chủ yếu là các cây thuốc ở rừng ông mang về trồng) “bốc thuốc” cho bệnh nhân, đắp vào vết thương là dần khỏi.
Ngoài những vị thuốc được cha truyền lại, ông Phonl phát hiện thêm nhiều cây thuốc mới tại vùng Bảy Núi có thể chữa được rắn độc cắn. Một trong số đó có cây ngãi rất đặc biệt mà ông quen gọi là ngãi móc. Cây ngãi đang được ông trồng quanh nhà để tiện cho việc “cấp cứu” cho bệnh nhân.
Theo ông Phonl, bệnh nhân đầu tiên của ông là đứa con trai của ông bây giờ. Khi đó, cha ông vừa truyền nghề, ông bán tín, bán nghi nhưng trong tình thế đứa con của ông bị rắn cắn, ông Phonl đưa miệng vào vết thương hút nọc rắn ra. Sau đó lấy bài thuốc của cha ông truyền lại, đắp vào vết thương và rồi con ông khoẻ hẳn. Từ đó ông mới tự tin chữa rắn cắn cho người dân.
Ông Phonl lưu ý, nếu bị hổ mang hay hổ sơn cắn thì phải lập tức đưa bệnh nhân đến gia đình ông ngay hoặc bệnh viện gần nhất. Nếu không nạn nhân có thể tắt thở sau 24 giờ. Hơn 30 năm qua, với bài thuốc gia truyền, ông Phonl cứu sống cho hơn 200 người dân bị rắn độc cắn mà không lấy tiền của bệnh nhân nào. Ngoài ra, ông Phonl còn dùng bài thuốc và chiếc lưỡi kỳ diệu của mình để chữa các bệnh thấp khớp, dạ dầy, rít, chó mèo cắn,….
“Thần y” áo vàng
Đến chùa Nam Quy trên (xã Châu Lăng, Tri Tôn), tiếp chúng tôi là nhà sư trẻ Chau Sóc Kol (32 tuổi) là truyền nhân của “thần y” trị rắn cắn Châu Sum (đã mất cách đây nhiều năm).Trước khi nói về mình, sư Chau Sóc Kol cho biết, sư Kol đến lúc viên tịch sư cả đã cứu sống gần 1.000 người bị rắn độc cắn bằng những cây thuốc quý của vùng Bảy Núi. Sau khi sư cả Chau Sum mất, sư cả đã truyền nghề lại cho hai anh em sư Chau Sóc Kol và Chau Kim Sa tiếp bước “sự nghiệp” cứu người với những bài thuốc rắn đại tài mà dân trong vùng không lí giải được.
Hai anh em sư Chau Sóc Kol đang là truyền nhân của "thần y" Châu Sum - một thầy thuốc trị rắn miền Tây
Sư Châu Sóc Kol cho biết: “Khi nạn nhân được người nhà chuyển đến đây, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà mình chọn ra phương pháp điều trị”
Về bài thuốc được bào chế từ những cây thuốc nam có trong rừng, sư Kol chỉ cách “bào chế” tường tận như lá môn rừng, trái chúc và cây thuốc lá… những loại này được giã nhuyễn rồi đắp lên vết thương cho bệnh nhân.
Về cách “chẩn đoán” cho bệnh nhận, sư Kol cho biết nếu mắt bệnh nhân bị thâm quầng, kéo đờm thì bệnh nhân đã bị rắn hổ đất cắn. Còn mắt bệnh nhân bị đục, họng kéo đờm thì người bệnh đã bị rắn hổ mây cắn. Riêng rắn chàm quạp cắn bệnh nhân mê sảng, lỗ chân lông và chân răng của bệnh nhân chảy máu… Khi xác định được tình trạng và loại rắn đã cắn cho bệnh nhân mình đưa ra phương pháp và chọn bài thuốc để trị bệnh cho phù hợp.
Dù tuổi đời và tuổi nghề còn khá trẻ nhưng qua 16 năm trong nghề (bắt đầu 1998), hai anh em sư Kol đã cứu sống khoảng 1.000 người dân bị rắn độc cắn và nhiều bệnh nhân được đưa tới từ nước bạn Campuchia cũng được sư cứu sống.
Tiếp xúc với hai “thần y” cứu sống cho hàng trăm người bị rắn độc cắn, hai thầy thuốc đều có chung quan điểm “cứu người là chính”, cả hai chỉ biết âm thầm phục vụ người dân mà chưa biết đến tấm giấy chứng nhận hành nghề hay một tấm giấy khen nào đó để công việc của hai thầy thuốc của dân này được thuận lợi hơn.
Nguyễn Hành