Gần Tết, liên tiếp bệnh nhân nhập viện vì uống rượu

(Dân trí) - ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết vài ngày trở lại đây, ngày nào  Trung tâm chống độc cũng tiếp nhận những bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu, trong đó không ít bệnh nhân quá nặng không thể qua khỏi.

Như trường hợp bệnh nhân Trần Xuân Đ. (57 tuổi, Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) vừa nhập viện hôm 18/12 trong tình trạng hôn mê sâu, giảm thị lực, suy gan, suy thận, ngộ độc rượu rất nặng.

Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 17/12, bệnh nhân uống rượu không rõ nguồn gốc mua ở một quán gần nơi trọ. Sau một ngày uống rượu, bệnh nhân xuất hiện kích thích, đau đầu, nhìn mờ. Bệnh nhân được Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội chuyển ngay lên Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

ThS. BS. Nguyễn Quang Thuận, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, Glasgrow 3 điểm, toan chuyển hóa nặng, giảm thị lực, tụt huyết áp, suy gan, suy thận, ngộ độc rất nặng. Kết quả xét nghiệm trong máu cho thấy methanol trong máu lên tới 169 mg/dL.

Bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm chống độc, với tiên lượng sẽ chịu nhiều biến chứng nguy hiểm do ngộ độc rượu. Ảnh: M.T
Bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm chống độc, với tiên lượng sẽ chịu nhiều biến chứng nguy hiểm do ngộ độc rượu. Ảnh: M.T

“Đây là một ngưỡng rất cao, gây ra tình trạng toàn thân của bệnh nhân rất nặng do methanol gây ra. Bình thường, những người uống phải rượu có methanol ở ngưỡng khoảng 20 mg/dL trong máu là đã rất nghiêm trọng, phải lọc máu cấp cứu”, BS Thuận nói.

BS Nguyên cảnh báo, năm nào cũng vậy, cứ từ thời điểm cận Tết dương lịch đến Tết âm lịch, số ca ngộ độc rượu luôn tăng lên.

Nếu chỉ ngộ độc rượu thông thường, không có methanol người bệnh sẽ đỡ nghiêm trọng hơn. Còn rượu trắng có methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt.

“Tuy nhiên đến khi có biểu hiện rõ rệt như đau đầu, mờ mắt vào viện thì đã quá muộn do methanol gây tổn thương các cơ quan nội tạng của cơ thể.Bản thân người uống không biết trong rượu có methanol nên mới đầu cứ nghĩ say rượu thông thường, nằm nghỉ vài tiếng sẽ hết và khi có biểu hiện mờ mắt, hôn mê khi đó mới đưa đến viện thì đã quá muộn”, BS Nguyên nói.

Tại Trung tâm chống độc, tỉ lệ tử vong của các bệnh nhân ngộ độc rượu methanol là 30% dù đã được điều trị tốt nhất. Ngoài ra các di chứng mù mắt, tổn thương não, di chứng thần kinh kéo dài hầu hết bệnh nhân đều bị. Chưa kể chi phí điều trị một ca ngộ độc methanol lên đến hàng chục, hàng trăm triệu mà nhiều ca không qua được, hầu hết để lại di chứng do đến muộn.

Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh. Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL, bệnh nhân tử vong không thể qua khỏi. Hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…

Trước tình trạng đáng báo động do rượu giả pha cồn công nghiệp methanol, BS Nguyên khuyến cáo người dân hạn chế uống rượu, uống chừng mực và lựa chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ. Khi bệnh nhân say, bất tỉnh, gọi hỏi không biết; co giật; tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo; Thở khò khè, ứ đọng đờm dãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh; Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh… cần đưa bệnh nhân tới viện sớm để được chẩn đoán, loại trừ và điều trị ngay nếu có ngộ độc methanol.

Hồng Hải