Nghệ An:

Gắn chỉ tiêu phát triển thẻ BHYT với xây dựng nông thôn mới

(Dân trí) - Đưa chỉ tiêu phát triển thẻ BHYT vào tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn là một trong những biện pháp mà BHXH Nghệ An đang thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu 76,5% dân số toàn tỉnh có thẻ BHYT. Đến thời điểm hiện tại, 75,36% người dân trong tỉnh đã được cấp thẻ BHYT.

 

Đến cuối tháng 11/2015, độ bao phủ thẻ BHYT tại Nghệ An đạt 75,36% trên chỉ tiêu 76,5% mà Chính phủ giao cho tỉnh này.
Đến cuối tháng 11/2015, độ bao phủ thẻ BHYT tại Nghệ An đạt 75,36% trên chỉ tiêu 76,5% mà Chính phủ giao cho tỉnh này.

Theo chương trình phát triển thẻ BHYT toàn dân, Nghệ An được Chính phủ giao chỉ tiêu 76,5% số người trong tổng số 3,056 triệu dân có thẻ BHYT. Tính đến cuối tháng 11/2015, 75,36% dân số toàn tỉnh Nghệ An đã được cấp thẻ BHYT, đạt gần 99% chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành BHXH tỉnh.

“Trước hết, chúng tôi không bỏ sót đối tượng được ngân sách Nhà nước bảo trợ như người có công, thân nhân cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang… Đối tượng này chiếm đến hơn 70% tổng số người có thẻ BHYT toàn tỉnh. BHXH phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh rà soát, lập danh sách cụ thể ở từng địa phương để in, cấp đổi thẻ kịp thời cho họ”, bà Trần Thị Thanh Hải – Phó trưởng phòng thu, BHXH tỉnh Nghệ An cho biết.

Để chỉ tiêu phát triển thẻ BHYT được hoàn thành, Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã có từng giải pháp cho từng đối tượng cụ thể. Trong đó, đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, BHXH phối hợp với chính quyền các địa phương trong việc rà soát, lập danh sách kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo không để sót, sai lệch đối tượng. Với “cánh tay nối dài” là hệ thống đại lý thu, các đối tượng thuộc diện cận nghèo được thống kê theo từng năm để kịp thời cấp đổi, cấp mới, đảm bảo quyền lợi của họ.

Khó khăn lớn nhất hiện này là trong thời gian tới, chính sách hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo sắp hết hiệu lực. Một số lượng lớn người dân với thu nhập thấp sẽ đối mặt với khó khăn trong việc tham gia BHYT. Trước tình hình đó, BHXH Nghệ An đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ ít nhất 10% cho người mua thẻ BHYT thuộc diện cận nghèo.

BHXH tỉnh Nghệ An cũng phối hợp với Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Nghệ An trong việc vận động học sinh tham gia mua BHYT. Đến thời điểm cuối tháng 11/2015, 90% học sinh đã tham gia mua thẻ BHYT. Với việc có nhiều thay đổi trong việc tham gia bảo hiểm đối với học sinh (chia thời gian đóng bảo hiểm thay vì đóng ngay từ đầu năm học), đến học kỳ 2 của năm học 2015-2015, phấn đấu 95% số học sinh trong toàn tỉnh có BHYT, vượt 3% so với năm học 2014-2015.


Tham gia BHYT cần phải được xem xét như nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước của mỗi công dân.

 

Tham gia BHYT cần phải được xem xét như nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước của mỗi công dân.

 

Theo đánh giá của bà Trần Thị Thanh Hải, hiện người dân (nhóm đối tượng không được hưởng sự hỗ trợ, bảo trợ của Nhà nước) chưa có nhận thức đúng đắn về việc tham gia BHYT. Nhiều người dân chỉ tham gia mua bảo hiểm y tế khi gặp vấn đề về sức khỏe như bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị tốn kém để giảm thiểu chi phí chữa bệnh. Bởi vậy, thay đổi nhận thức của người dân được xem là nhiệm vụ căn cơ, xuyên suốt.

“Để thay đổi nhận thức của người dân không phải là chuyện có thể làm được trong một sớm, một chiều. Mà để làm được điều đó một mình tổ chức bảo hiểm xã hội không làm nổi. Thay đổi nhận thức của người dân rất cần sự phối hợp của các tổ chức chính trị, xã hội như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và người đứng đầu tổ chức này. Phải làm cho người dân hiểu được lợi ích của việc tham gia BHYT, không phải chỉ vì bản thân mình và vì trách nhiệm với cộng đồng”, bà Trần Thị Thanh Hải chia sẻ.

Theo bà Hải, với chương trình BHYT toàn dân, bên cạnh việc tiếp tục duy trì đối tượng đã tham gia, BHXH tỉnh đang nỗ lực mở rộng đối tượng mới. Một trong những biện pháp bước đầu tạo được kết quả khá khả quan đó là gắn chỉ tiêu phát triển thẻ BHYT với chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, chỉ tiêu thẻ BHYT được lồng ghép vào tiêu chí về y tế của từng địa phương. Chính điều này đã gắn trách nhiệm cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội trong việc vận động người dân tham gia BHYT.

“Cái khó nhất là trong giai đoạn hiện này chưa có chế tài rõ ràng đối với đối tượng không thuộc diện được Nhà nước bảo trợ, hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT. Cùng với việc tuyên truyền vận động, thay đổi nhận thức của người dân về việc tham gia BHYT cần phải xem việc tham gia BHYT như nghĩa vụ thuế của công dân đối với Nhà nước”, bà Hải kiến nghị.

Hoàng Lam