Gần 55% mẫu nước giếng ô nhiễm nặng
(Dân trí) - Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước mặt đang tác động trực tiếp đến nguồn nước ngầm tại TPHCM. Kết quả kiểm tra tại các quận huyện vùng ven cho thấy có tới gần 55% mẫu nước gửi đi kiểm nghiệm không đạt chỉ tiêu hóa lý - vi sinh.
Ngày 15/12, thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho hay, tại đây vừa thực hiện giám sát chất lượng các nguồn nước phục vụ cho nhu cầu của người dân trên địa bàn các quận huyện của toàn thành. Trong khi hệ thống cấp nước thủy cục đáp ứng tốt các chỉ tiêu về hóa lý - vi sinh thì các mẫu nước giếng hộ gia đình tự khai thác để phục vụ cho mục đích sinh hoạt lại đang bị ô nhiễm khá nặng.
Cụ thể, trong tổng số 24 mẫu được lấy tại các quận huyện thì có tới 13 mẫu tại huyện Củ Chi, Bình Chánh và các quận Tân Phú, quận 12, quận 9, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức không đạt chỉ tiêu hóa lý - vi sinh do nhiềm E.coli hoặc không đạt các tiêu chuẩn về độ pH và hàm lượng amoni.
Phân tích của Trung tâm Y tế Dự phòng chỉ ra, độ pH thấp là do nước ngầm ở điều kiện yếm khí và sự phân hủy hữu cơ trong đất hòa tan CO2 khiến pH trong nước giảm. Độ pH trong nước thấp về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Tuy nhiên pH thấp sẽ tăng tính a xít trong nước tạo phản ứng ăn mòn kim loại trong đường ống dẫn hoặc vật chứa, tích lũy ion kim loại, sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có thể gây ra các bệnh ngoài da, ngứa khi tắm gội, làm hỏng men răng…
Những mẫu nước có hàm lượng amoni cao chứng tỏ nước đã bị nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ (nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi…) Nếu sử dụng nguồn nước này, con người sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu ô xy trong máu do amoni trong nước chuyển hóa thành nitrat, nitrit khi gặp ô xy. Nguy hiểm hơn, khi kết hợp với axit amin trong cơ thể sẽ tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.
Trường hợp nguồn nước bị nhiềm E.coli chứng tỏ nguồn nước ngầm đã bị nước thải có chứa phân người hoặc phân súc vật xâm nhập hoặc quá trình lưu chứa không hợp vệ sinh. Nguồn nước này có thể gây ra những bệnh đường ruột như tả, lị, thương hàn.
Để giảm nguy cơ nguồn nước ô nhiễm tác động đến sức khỏe, Trung tâm y tế dự phòng khuyến cáo người dân ở những khu vực đã có nguồn nước thủy cục thì nên bỏ sử dụng nước giếng trong ăn uống. Nhưng khu vực nước thủy cục chưa vươn tới, người dân cần thực hiện các biện pháp xử lý nước trước khi sử dụng như dùng giàn mưa trung hòa nước nhiễm pH; thực hiện các giải pháp sinh học, sử dụng hóa chất để xử lý nước nhiễm amoni, E.coli; ăn chín, uống chín và lưu chứa nước hợp vệ sinh.
Vân Sơn