1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Bình:

Gần 500 dân nghèo lao đao vì không có BHYT

(Dân trí) - Gần một năm nay, 452 đối tượng dân nghèo ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đi khám, chữa bệnh đều phải "cắn răng" trả 100% chi phí dù họ đều thuộc diện được cấp Bảo hiểm y tế.

Khốn khổ vì không có bảo hiểm

Ngày 3/11, 9 người dân xã Hóa Hợp (một xã đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa) đang nằm viện đã phản ánh với UBND xã về việc không có tiền thanh toán viện phí. Ông Chủ tịch xã Hóa Hợp đã lặn lội cầm danh sách những người này sang "gõ cửa" Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện để xin làm bổ sung Bảo hiểm y tế (BHYT) cho dân nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của BHXH.

Đơn vị này dẫn hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH tỉnh: đối với các đối tượng thuộc diện hộ nghèo theo Quyết định 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Về việc khám, chữa bệnh cho người nghèo (gọi tắt là đối tượng 139)và dân các xã có điều kiện đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135/CP (gọi tắt là đối tượng 135) thì chỉ cấp BHYT mỗi năm một lần vào đầu năm. Ông Chủ tịch xã cũng chỉ biết ra về, còn 9 bệnh nhân nghèo đành cắn răng bán trâu, bò, lợn, gà để chi trả viện phí.

Đó là câu chuyện mới nhất, nhưng không phải là cá biệt ở huyện Minh Hóa, nơi có tới 452 đối tượng thuộc diện được cấp BHYT đã 10 tháng nay phải tự gánh mọi chi phí khám chữa bệnh vì những sai sót đáng tiếc từ khâu rà soát danh sách đến việc triển khai các thủ tục làm BHYT.

Ngoài các sai sót thường gặp như cán bộ thống kê thiếu cả hộ hoặc đã đến từng hộ nhưng thống kê thiếu khẩu thì theo ông Đinh Cảnh Toàn, Trưởng phòng LĐ-TB & XH huyện, "đóng góp” không nhỏ vào con số 452 người mất quyền lợi BHYT năm nay là việc thực hiện mua bảo hiểm cho một số đối tượng trực tiếp tham gia Kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước, theo quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng (gọi tắt là đối tượng 290).

Nguyên là cuối năm 2007, BHXH huyện Minh Hóa đã tổ chức tập huấn cho cán bộ các xã về các nhóm đối tượng được mua BHYT và quy trình triển khai, trong đó một điểm mới là nhóm đối tượng 290. Nhưng không hiểu do công tác truyền đạt hay tiếp thu có vấn đề mà cán bộ các xã khi rà soát danh sách nhóm này đã dùng luôn danh sách đề nghị được hưởng chính sách theo quyết định 290/2005/QĐ-TTg (chưa được Quân khu 4 phê duyệt) để làm BHYT.

Chính vì vậy, theo ông Toàn, khi danh sách này chuyển sang BCH Quân sự huyện Minh Hóa thì BCH đã loại những người chưa được duyệt trước khi chuyển sang BHXH huyện. Cho đến khi BHXH huyện phát thẻ BHYT, các xã mới tá hỏa vì rất nhiều đối tượng đáng ra được hưởng BHYT (nếu không theo diện 290 thì theo diện 139 và 135) lại trở thành "trắng tay".

Như vậy, chỉ vì những sai sót tưởng chừng rất nhỏ của cán bộ thống kê và một quy trình truyền đạt - tiếp thu chưa thấu đáo mà 452 người dân nghèo phải tự bỏ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh mà đáng ra họ nghiễm nhiên được miễn giảm theo quy định của Nhà nước. Ông Toàn bỏ lửng câu nói: "May mà chưa có ai trọng bệnh, chết chóc chứ không thì…."

Rắc rối bài toán "tại ai"

Trao đổi với PV Dân trí, cả ông Toàn và ông Đinh Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp, đều khẳng định: "Cái sai lớn nhất thuộc về các cán bộ trực tiếp kê khai, do có nhiều sơ suất trong thống kê".

Ông Toàn cho biết thêm, công tác rà soát ở các xã hầu hết được giao cho cán bộ bán chuyên trách, những người nhận thức về chính sách còn hạn chế. Ngoài ra, lãnh đạo các xã giám sát chưa sâu nên dẫn đến nhiều sai sót không được phát hiện.

Còn theo ông Hải, sau khi 105 đối tượng 290 không được phát sổ BHYT, ông đã nhiều lần làm việc với Phòng LĐ-TB&XH và BHXH huyện đề nghị tìm hướng giải quyết nhưng không thành. Ông Hải đã vào tận BHXH tỉnh Quảng Bình để nhờ hướng dẫn và được chỉ dẫn chuyển các đối tượng 290 thành đối tượng 135 trình lên Phòng LĐ-TB&XH và BHXH huyện phê duyệt để BHXH tỉnh giải quyết.

Thực tế, xã Hóa Hợp đã lập danh sách này và được UBND huyện cũng như Phòng LĐ-TB&XH ký duyệt, nhưng khi đưa sang BHXH huyện lại nhận được cái lắc đầu. Theo lý giải của ông Đinh Hữu Nam - Giám đốc BHXH huyện Minh Hóa: nếu ông Hải đã làm việc với BHXH tỉnh thì cần nói rõ làm với ai, hướng dẫn thế nào và phải có công văn của BHXH tỉnh thì mới giải quyết. Ngược lại, BHXH huyện chỉ dựa vào quy định hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH: BHYT cho đối tượng 139 và 135 chỉ cấp 1 lần.

Có một thực tế khác là khi cán bộ xã Hóa Hợp mang tờ trình số 31/TTr-UBND ngày 16/8/2008 với đầy đủ chữ ký của Phó Chủ tịch huyện và Trưởng Phòng LĐ-TB&XH lên đề nghị BHXH huyện “giúp đỡ” thì ngày 22/8, một cán bộ của BHXH huyện lại soạn một hợp đồng giữa BHXH huyện (bên A) và UBND xã Hóa Hợp (bên B), ghi rõ thời gian đăng ký khám chữa bệnh từ 1/7 (?) và có sẵn các điều khoản yêu cầu xã chuyển tiền mặt hoặc chuyển khoản cho BHXH huyện số tiền gần 7 triệu đồng.

Hợp đồng này chưa có chữ ký chính thức của ông Giám đốc BHXH nhưng có chữ ký nháy của cán bộ bảo hiểm mà theo ông Hải là "bên BHXH muốn tôi ký trước rồi Giám đốc mới ký”. Ông Hải cho rằng điều đó vượt quá thẩm quyền nên không ký. Ông Toàn cũng khẳng định việc làm này của BHXH là trái quy định vì chỉ có Phòng LĐ-TB&XH huyện mới có thẩm quyền ký hợp đồng.

Ông Nam sau một hồi khăng khăng “không có chuyện BHXH soạn hợp đồng với UBND xã" đã thừa nhận sự sai sót của cán bộ cấp dưới khi cầm trong tay cái hợp đồng mà ông cho là không có.

Cứ như vậy, các bên loay hoay với "bài toán khó" trách nhiệm, trong khi một bài toán dễ có lời giải hơn là quyền lợi được bảo hiểm của dân nghèo lại chưa được nhắc đến. Bởi theo ông Hải, hầu hết trong số 105 đối tượng đã nhận được quyết định của Quân khu 4 (tức chính thức thuộc diện 290), còn ông Nam khẳng định “đối tượng 139 và 135 thì chỉ cấp 1 lần, còn 290 thì lúc nào cũng bổ sung được”!.

Hồng Kỹ - Vĩnh Quý

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm